Việt Nam đã chi ra bao nhiêu tiền để chống dịch COVID-19?

12:25 | 30/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Tài chính đã tổng kết về kinh phí mà cả nước đã dành ra cho chiến dịch phòng chống dịch COVID-19 đã bùng phát từ năm 2020 đến nay.

Cụ thể, theo thống kê của Bộ Tài chính thì ước tính từ đầu năm 2021 đến nay, Việt Nam đã chi 4.650 tỷ đồng và tính từ năm ngoái đến thời điểm hiện tại, ngành tài chỉnh đã tổng chi khoảng 21.500 tỷ đồng cho phòng chống dịch.

Nhằm phục vụ cho công cuộc tập trung nguồn lực chi phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13.300 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020. 

Đặc biệt, cơ quan đầu ngành tài chính đã kiến nghị Chính phủ thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 huy động các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hiện quỹ đóng vai trò quan trọng trong việc mua vaccine khi huy động được hơn 8.000 tỷ đồng. Số tiền trên kết hợp với 25.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước nhằm hiện thực hóa mục tiêu mua đủ 150 triệu liều tiêm cho 70% dân số cả nước.

Việt Nam đã chi ra bao nhiêu tiền để chống dịch COVID-19? - ảnh 1

Bộ Tài chính đã thực hiện một loạt những động thái liên quan cân đối ngân sách nhằm tập trung cho việc chống dịch. 

- Trình các phương án tiết kiệm chi và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước.

- Tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch, tăng chi đầu tư phát triển và giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2021. Bộ Tài chính cũng gửi văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021.

- Tháo gỡ về cơ chế cho địa phương trong việc cân đối, bố trí nguồn lực mua sắm trang thiết bị phòng dịch; yêu cầu cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp làm đúng quy định, không được phát sinh thêm thủ tục hành chính làm chậm trễ, ách tắc trong thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thêm, cơ quan cũng chủ động làm việc với Chính phủ tìm ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch COVID-19. 

Đầu tiên, Bộ đã chủ động tham mưu thực hiện gia hạn, miễn, giảm thuế, phí và thu ngân sách cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ước tính tổng số tiền khoảng 129.000 tỷ đồng năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay là khoảng 118.000 tỷ đồng.

Hiện tại cơ quan này đang tiếp tục đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; Chính sách chi ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng đã được triển khai thực hiện với số tiền đã hỗ trợ của năm 2020 là khoảng 16.800 tỷ đồng.

Trước tình hình doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19n ông Phớc cho biết ngành tài chính đã tham mưu và triển khai nhiều quy định kéo dài thêm thời gian áp dụng đối với một số giải pháp hỗ trợ chủ yếu đã thực hiện như: tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 để hỗ trợ ngành hàng không; kéo dài thời gian thực hiện việc giảm nhiều khoản phí, lệ phí đến giữa năm 2021.

Và còn nhiều giải pháp khác đang được Bộ Tài chính nghiên cứu dựa trên quan sát tình hình thực tế.

Phương hướng chống dịch trong thời gian sắp tới ra sao?

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 địa phương sáng 29/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 - đã nghe báo cáo, đồng thời nhấn mạnh thêm một số nội dung các địa phương cần lưu ý khi triển khai thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách. 

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải nhận thức, xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, cần đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, càng khó khăn càng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. 

Thủ tướng nhấn mạnh các địa phương xác định rõ ràng mục tiêu cần đạt được với lộ trình cụ thể, nếu cần điều chỉnh phù hợp với tình hình thì báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia và nhấn mạnh "đã hy sinh về kinh tế - xã hội để thực hiện giãn cách xã hội thì đổi lại, phải kiểm soát được tình hình trong thời gian giãn cách, đạt kết quả chống dịch thành công".

Ngoài ra, Chính phủ cũng xác định đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm giải quyết việc hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương. Các bộ phận trong Ban Chỉ đạo làm việc theo quy chế, quy định, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì an toàn, hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Những lưu ý của Thủ tướng trong phòng chống dịch COVID-19

1. Áp dụng chỉ thị 16 cần thực hiện nghiêm. Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch, người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường.

2. Bảo đảm an sinh xã hội, cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu đến người dân, gia đình trong khu vực giãn cách xã hội. Đặc biệt chú ý đến 3 đối tượng:  Các đối tượng có điều kiện kinh tế nhưng cần giúp đỡ; các hộ gia đình gặp khó khăn, bị đứt bữa; những người lang thang, cơ nhỡ.

3. Thực hiện công tác thu dung, điều trị, giảm tử vong, giảm ca bệnh nặng phải thực hiện giãn cách xã hội thật tốt, ngăn chặn lây lan, giảm F0; bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở; phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, phân loại, điều trị, chăm sóc phù hợp ở các tuyến... 

4. Thực hiện tốt chiến lược 5K+vaccine và thuốc, các biện pháp công nghệ. Lưu ý tổ chức xét nghiệm cho các shipper để bổ sung lực lượng vận chuyển, cung ứng hàng hóa cho người dân.

5. Bảo đảm an dân, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Lực lượng công an tham gia, hỗ trợ nhiệm vụ này.

6. Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động người dân trong thời gian giãn cách. 

7. Nghiên cứu di dời, sơ tán một số người dân từ những nơi có mật độ dân số cao trong "vùng đỏ" sang những nơi an toàn, thông thoáng để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực. 

8. Duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, cố gắng không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Chống dịch nhưng không được bỏ quên các nhiệm vụ quan trọng thường xuyên khác như xây dựng Đảng, phòng chống tiêu cực, tham nhũng… 

9. Đảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt trên toàn quốc. Thủ tướng lưu ý các địa phương không ban hành quy định riêng, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. 

10. Công tác tuyên truyền và ứng dụng khoa học công nghệ phải được đẩy mạnh, yêu cầu  Ngành văn hoá, các cơ quan báo chí phải có trách nhiệm thực hiện tích cực. 

11. Kịp thời tổng kết, rút ra kinh nghiệm hay, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình tốt, xử lý những cá nhân, tập thể vi phạm, làm không hiệu quả, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Duy Anh

Xem thêm: BÀI 20: TH TRUEMILK VỚI NHỮNG DỰ ÁN NGHÌN TỶ LÀM “SỐNG LẠI VÙNG ĐẤT CHẾT”

 

Từ khóa: #kinh phí