Việt Nam hướng tới mục tiêu đến năm 2030 có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số

15:47 | 25/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo dự thảo đề án Chiến lược quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số.

Trước đó, Chuyên trang ICTnews đưa tin, trong dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ, đề cập đến sự cần thiết xây dựng Chiến lược, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) cho biết, Việt Nam đang có một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ đông đảo với khoảng 43.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ICT và khoảng 17.000 doanh nghiệp kinh doanh, phân phối sản phẩm, giải pháp trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, cần vượt qua một số khó khăn thách thức chủ quan và khách quan.

Mặc dù có số lượng đáng kể nhưng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam còn phụ thuộc vào hoạt động gia công và công nghệ lõi từ nước ngoài, sản phẩm và giải pháp có giá trị gia tăng thấp, năng lực đổi mới sáng tạo và cạnh tranh quốc tế còn hạn chế.

Trong khi đó, sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp công nghệ quốc tế ngày càng gay gắt. Lợi thế của Việt Nam về nhân công giá rẻ trong lĩnh vực công nghệ bị ảnh hưởng sâu sắc do tác động của các công nghệ mới có tính đột phá thay thế những hoạt động có hàm lượng tri thức thấp.

Dự thảo Chiến lược quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nhằm đưa ra giải pháp có tính hệ thống, đột phá mang tính đặc thù, huy động nguồn lực của toàn xã hội để khai thác điểm mạnh; tận dụng cơ hội để phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Việt Nam hướng tới mục tiêu đến năm 2030 có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số - ảnh 1

Theo Chinhphu.vn, dự thảo nêu rõ, tập trung phát triển 4 loại hình công nghệ số Việt Nam gồm: Nhóm 1- Doanh nghiệp phát triển công nghệ cốt lõi; Nhóm 2- Doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghệ số; Nhóm 3- Doanh nghiệp triển khai giải pháp công nghệ số; Nhóm 4- Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển theo định hướng chiến lược Make in Viet Nam, phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới, hợp tác nhưng không phụ thuộc vào các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.

Cũng theo dự thảo, mục tiêu đến năm 2025: Việt Nam phát triển 70.000 doanh nghiệp công nghệ số; phát triển 1,2 triệu nhân lực công nghệ số; giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng trưởng bình quân từ 10-20%/năm; doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng góp 10% tăng trưởng GDP; xếp hạng chỉ số công nghệ và đổi mới của Việt Nam nằm trong top 3 khu vực ASEAN và top 70 trên thế giới.

Mục tiêu đến năm 2030: Phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số; phát triển 1,5 triệu nhân lực công nghệ số; doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng góp 20% tăng trưởng GDP; xếp hạng chỉ số công nghệ và đổi mới của Việt Nam nằm trong top 2 khu vực ASEAN và top 50 trên thế giới.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

"Việc xây dựng Chiến lược quốc gia là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết nhằm đưa ra những giải pháp vừa có tính hệ thống, vừa có tính đột phá mang tính đặc thù Việt Nam, huy động được nguồn lực của toàn xã hội để khai thác được những điểm mạnh và tận dụng được những cơ hội để phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam", Bộ TT&TT cho hay.

Nhấn mạnh quan điểm cần một cách làm mới để đạt được các mục tiêu phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tại dự thảo Chiến lược, Bộ TT&TT đã đề xuất 6 nhóm giải pháp chính, bao gồm:

1. Hoàn thiện cơ chế chính sách kiến tạo môi trường phát triển cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam;

2. Đẩy mạnh năng lực nghiên cứu công nghệ số trong đó doanh nghiệp là lực lượng tiên phong;

3. Hỗ trợ hiệu quả, tạo lập thị trường năng động cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam;

4. Phát triển ngành công nghiệp dữ liệu và hệ sinh thái công nghệ số;

5. Đổi mới mô hình phát triển nhân lực và phương thức sử dụng lao động chuyên ngành công nghệ số;

6. Hình thành các định hướng phát triển đột phá thông qua các nhiệm vụ, dự án của Chính phủ có tác động lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.

Lệ Vỹ (t/h)