Việt Nam lần thứ 2 trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ
Kết quả này đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của tất cả người dân Việt Nam, cho thấy sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và tích cực hội nhập quốc tế, uy tín, vai trò, vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trong khuôn khổ LHQ và trên trường quốc tế.
Việc Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời là một dấu mốc có ý nghĩa quan trọng trong quá trình Việt Nam triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, định hướng công tác đối ngoại đa phương là “Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên Hợp Quốc” và Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Chỉ thị 25-CT/TW xác định mục tiêu cho công tác đối ngoại đa phương thời gian tới là “nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước,” phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể của Việt Nam
Ngay sau khi Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có thông điệp cảm ơn sự ghi nhận của quốc tế về vai trò và những đóng góp của Việt Nam vào công việc quốc tế và khu vực, đồng thời khẳng định: “Với quyết tâm mới, khí thế mới, với niềm tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh, ý chí của toàn Đảng, toàn dân, với nỗ lực và sự phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng của các cấp, các bộ, ban, ngành và sự ủng hộ của nhân dân, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công trọng trách Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, xứng đáng là đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững.”
Kỳ vọng vào đóng góp tích cực của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế
Đại diện nhiều nước tại LHQ đã gửi lời chúc mừng vai trò mới của Việt Nam tại HĐBA LHQ.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Suzuki nói: “Nhật Bản rất vui mừng khi Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và xin chúc mừng toàn thể người dân Việt Nam.
Tôi mong muốn Việt Nam phát huy sự lãnh đạo đối với cộng đồng quốc tế trong việc ổn định nền hòa bình thế giới.”
Trên trang Twtter, Đại sứ Burhan Gafoor, Trưởng phái đoàn Singapore tại Liên Hợp Quốc viết: "Chúc mừng Việt Nam đã được bầu vào HĐBA LHQ với số phiếu cao nhất."
Trưởng phái đoàn Singapore tại Liên Hợp Quốc bày tỏ: "Vinh dự khi đại diện Singapore bỏ phiếu bầu cho Việt Nam. Singapore có quan hệ tuyệt vời với Việt Nam và chúng tôi tin trưởng Việt Nam sẽ đảm nhận xuất sắc vai trò này."
Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cũng chúc mừng Việt Nam trên trang Facebook cá nhân ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố.
Đại sứ Australia tại Liên Hợp Quốc Gillian Bird chúc mừng 5 nước vừa được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 bao gồm Việt Nam, Estonia, Niger, St Vincent và Grenadines, và Tunisia.
Đối với Việt Nam, bà Gillian Bird bày tỏ hào hứng khi có thêm một thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau Indonesia, có mặt trong HĐBA LHQ.
Trên Twitter, bà viết: "Thật tuyệt vời khi có hai quốc gia láng giềng ASEAN là Việt Nam và Indonesia cùng có mặt trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2020."
Gửi lời chúc mừng tới Việt Nam, đại sứ các nước tại LHQ cũng bày tỏ kỳ vọng vào những đóng góp tích cực của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế trong nhiệm kỳ sắp tới.
Trong khi đó, tờ Washington Times có bài viết nhận định: "Tầm quan trọng của Việt Nam đối với an ninh quốc tế đã tăng lên đáng kể sau Hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Đà Nẵng
Và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên mà Việt Nam là nước chủ nhà đã củng cố uy tín của nước này với tư cách nước hòa giải.
Là Ủy viên không thường trực của HĐBA, Việt Nam sẵn sàng sử dụng các kỹ năng ngoại giao mềm và cam kết hội nhập quốc tế."
Là một trong 6 cơ quan chính của LHQ, HĐBA có 15 nước ủy viên; trong đó có 5 ủy viên thường trực và 10 ủy viên không thường trực được bầu với nhiệm kỳ 2 năm.
Đây là cơ quan duy nhất của LHQ có quyền quyết định đánh giá thực tại các mối đe dọa đối với hòa bình hoặc phá hoại hòa bình, đưa ra khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế.