Việt Nam liệu có trở thành ‘thánh địa’ mới của các gã khổng lồ công nghệ?

Đức Huy 07:52 | 12/12/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bài viết dưới đây được đăng tài trên Tech in Asia là quan điểm của ông Erik Jonsson - đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Antler, chuyên hỗ trợ các startup giai đoạn đầu.

Khi tôi chuyển đến Việt Nam năm 2011, tôi ngay lập tức bị cuốn hút bởi sự sôi động và ấm áp của nơi này. Tôi ấn tượng với sự khác biệt trong văn hóa làm việc so với London. Điều này trở nên rõ ràng qua mọi công việc tôi từng làm ở đây, từ vị trí đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư tư nhân (PE) đến vai trò hiện tại là đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Antler.

Khi còn làm việc tại khu tài chính London, công việc của tôi vừa thú vị vừa đầy cạnh tranh. Sự cạnh tranh ấy chính là một phần khiến công việc trở nên hấp dẫn. Nhưng ở văn phòng công ty PE tại TP HCM, mọi người cùng nhau ăn trưa mỗi ngày. Không khí thân thiện và gắn kết này là điều hiếm thấy trong môi trường doanh nghiệp ở phương Tây.

Sảnh chờ một trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất tại TP HCM. (Ảnh: Đức Huy).

Ngoài sự gắn kết cộng đồng, Việt Nam luôn có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với 13 năm trước. Khi đó, cơ hội ít ỏi, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, và bắt đầu khởi nghiệp giống như bước vào một hành trình mạo hiểm chưa rõ hồi kết.

Việt Nam giờ đây đã trở thành một nền tảng tiềm năng cho những dự án công nghệ sáng tạo, có khả năng mở rộng và cạnh tranh toàn cầu. Dù vậy, các rào cản về quy định và sự thiếu hụt nhân tài vẫn là những thách thức lớn đối với mục tiêu này.

Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài thường tỏ ra nghi ngờ với các dự án công nghệ tại Việt Nam. Họ thậm chí còn đứng ngoài kho hàng để đếm xe tải ra vào, nhằm kiểm chứng những con số được báo cáo.

Tôi từng tiếp một nhóm nhà đầu tư châu Âu vào năm 2012. Họ muốn đến tận nơi xem văn phòng và kho hàng của chúng tôi. Dù hành trình xa và nguy cơ kẹt xe vào giờ cao điểm, họ vẫn không ngần ngại.

Chúng tôi đi 45 phút chỉ để họ ở lại chưa đến 10 phút, đánh dấu hoàn thành danh sách kiểm tra. Kết thúc chuyến đi, họ tỏ ra nhẹ nhõm: “Đúng rồi! Họ có kho hàng. Thôi, về thôi.”

Điểm khác biệt của Việt Nam, cả trước đây và hiện tại, chính là tinh thần khởi nghiệp ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày. Hầu hết mọi người đều làm nhiều việc, tận dụng tối đa thời gian để xây dựng tương lai tốt hơn.

Ở Việt Nam, việc tầng trệt của ngôi nhà trở thành cửa hàng hoặc quán ăn là điều rất bình thường. Công việc và cuộc sống gắn bó chặt chẽ. Cần chụp ảnh hộ chiếu lúc 9 giờ tối Chủ Nhật? Không vấn đề gì, bạn có thể vào ngay – đừng bận tâm nếu bọn trẻ đang chơi trước giờ đi ngủ.

Tinh thần khởi nghiệp vẫn mạnh mẽ, nhưng diện mạo của những người khởi nghiệp tại Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Trước đây, con đường sự nghiệp an toàn nhất là làm việc tại doanh nghiệp nhà nước, một công việc ổn định suốt đời. Nhưng hiện nay, các tỷ phú đều là những người dám khởi nghiệp, càng củng cố thêm tinh thần khởi nghiệp trong xã hội.

Ngày nay, ngày càng nhiều nhân sự công nghệ và chuyên gia đang cân nhắc việc khởi nghiệp riêng.

Dân số đông, am hiểu công nghệ là lợi thế khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Huy).

Với sự phát triển của kỹ năng công nghệ số và hạ tầng công nghệ, cơ hội cho đổi mới sáng tạo chưa bao giờ sẵn sàng hơn lúc này. Các nhà sáng lập đang tập trung vào việc đổi mới những ngành truyền thống mà Việt Nam có thế mạnh như chuỗi cung ứng, nông nghiệp và thương mại điện tử. Họ muốn tối ưu hóa quy trình làm việc, hướng đến sự hiệu quả và dựa trên công nghệ.

Những giải pháp dựa trên công nghệ này, khác biệt so với mô hình truyền thống, đang thu hút sự chú ý từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư trong khu vực. Họ coi Việt Nam là nơi lý tưởng để phát triển các sản phẩm và dịch vụ có tiềm năng mở rộng và tạo tác động lớn.

Sự thay đổi này đã mang lại một sự đa dạng chưa từng có trong đội ngũ nhà sáng lập. So với năm 2011, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay có sự pha trộn phong phú giữa nhân tài trong nước, người Việt ở nước ngoài và các doanh nhân quốc tế bị hấp dẫn bởi sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ tại đây.

Công ty đầu tư mạo hiểm Antler của tôi sở hữu những đơn vị như Homebase và Persona Studios, với đội ngũ sáng lập là người nước ngoài. Họ chọn Việt Nam nhờ nguồn nhân lực công nghệ tài năng và cộng đồng khởi nghiệp đầy hỗ trợ.

Đây là các yếu tố giúp các công ty phát triển nhanh và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Cả hai công ty này đều hưởng lợi từ sự chăm chỉ và tận tâm của các kỹ sư công nghệ Việt Nam, điều rất cần thiết trong việc vượt qua các thử thách ở giai đoạn đầu.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều nhà sáng lập hợp tác xuyên quốc gia và tìm cách giải quyết các vấn đề mang tính khu vực hoặc toàn cầu, với Việt Nam là nơi đặt nền tảng. Chương trình cư trú của Antler gần đây đã chào đón các nhà sáng lập đến từ 25 quốc gia khác nhau, bao gồm Mông Cổ, Kyrgyzstan, Thụy Điển, Brazil và Mỹ. Họ sẽ làm việc cùng các chuyên gia Việt Nam để tạo ra những dự án vượt ra ngoài biên giới quốc gia.

Một buổi toạ đàm về công nghệ diễn ra mới đây tại Hà Nội thu hút các bạn trẻ. (Ảnh: Đức Huy).

Để Việt Nam trở thành bệ phóng cho các tập đoàn công nghệ toàn cầu, vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Trước hết, các startup vẫn gặp khó khăn với hệ thống pháp lý phức tạp. Dù chính phủ đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng các thủ tục như cấp phép, giấy tờ và tuân thủ quy định vẫn là thách thức lớn.

Nhiều nhà sáng lập phải dành nhiều thời gian và nguồn lực để hiểu và tuân thủ các quy định này. Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng vẫn thu hút những doanh nhân dám nghĩ lớn, sẵn sàng vượt qua khó khăn để thành công trong hệ sinh thái đầy năng động.

Một vấn đề khác là thiếu nhân sự cấp cao giàu kinh nghiệm, đặc biệt trong các lĩnh vực chuyên môn như mở rộng sản phẩm, kỹ thuật phần mềm cao cấp và trí tuệ nhân tạo. Lực lượng lao động trẻ tại Việt Nam rất tài năng và linh hoạt, nhưng vẫn cần các chuyên gia nước ngoài để dẫn dắt các dự án lớn và đào tạo đội ngũ trong nước. Việc thúc đẩy chuyển giao kiến thức và phát triển các chương trình đào tạo nhân sự cấp cao là yếu tố quan trọng để các startup Việt vươn ra toàn cầu.

Ngoài ra, các startup Việt Nam cần nhìn xa hơn thị trường trong nước. Như các nhà sáng lập tại Scandinavia, nơi thị trường địa phương quá nhỏ để mở rộng, các doanh nghiệp Việt cần tư duy toàn cầu ngay từ đầu.

Dù nhiều điều đã thay đổi, một giá trị vẫn được giữ nguyên: văn hóa kết nối và sẵn lòng hỗ trợ của người Việt. Việc tìm kiếm sự giúp đỡ hay lời khuyên luôn dễ dàng, và mọi người luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo nên niềm vui trong việc khởi nghiệp.

Tinh thần nỗ lực không ngừng là một phần trong văn hóa, thúc đẩy các nhà sáng lập và nhân sự vượt qua giới hạn. Với các startup đặt nền tảng tại Việt Nam, họ có lợi thế từ nguồn vốn khu vực, lực lượng lao động trẻ am hiểu công nghệ và cộng đồng hỗ trợ mạnh mẽ.

Tôi tin rằng những giá trị này, cùng với sự cởi mở và tinh thần tiến lên, sẽ giúp Việt Nam trở thành một quốc gia dẫn đầu trong ngành công nghệ toàn cầu. Nền tảng đã có sẵn, việc còn lại là tạo ra môi trường phù hợp để phát triển tài năng và thúc đẩy Việt Nam sản sinh ra các tập đoàn công nghệ toàn cầu trong thập kỷ tới.