Việt Nam sẵn sàng hệ thống phần mềm trực tuyến đăng ký tiêm vắc xin COVID-19

20:28 | 02/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Công ty CP vắc xin Việt Nam (VNVC) đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống phần mềm trực tuyến cho việc đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 ngay khi về đến Việt Nam.
Theo thanhnien.vn, ngày 1.2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký văn bản phê duyệt có điều kiện vắc xin do nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.

COVID -19 vaccine AstraZeneca khi về Việt Nam sẽ được tiêm cho người dân, có tỷ lệ sinh miễn dịch trên 90%.
 
 
Việt Nam sẵn sàng hệ thống phần mềm trực tuyến đăng ký tiêm vắc xin COVID-19 - ảnh 1
COVID -19 vaccine AstraZeneca khi về Việt Nam sẽ được tiêm cho người dân
 
Theo Bộ Y tế, vắc xin phòng Covid-19 được phê duyệt (Covid-19 vaccine AstraZeneca) do Công ty AstraZeneca sản xuất, được đóng gói hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 8 liều, mỗi liều 0,5 ml.
 
Vắc xin COVID -19 của AstraZeneca chính thức được cho phép nhập khẩu về Việt Nam. Vắc xin này được sản xuất tại Ý, Anh và Đức. Trước mắt, trong quý 1/2021, 50.000 liều vắc xin đầu tiên sẽ về đến Việt Nam. 30 triệu liều Covid-19 vaccine AstraZeneca được cung cấp cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, thay vì kéo dài đến hết năm, như dự kiến ban đầu. Các lô vắc xin được Công ty CP vắc xin Việt Nam (VNVC) nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế giao Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) là đầu mối triển khai đánh giá lâm sàng về an toàn và sinh miễn dịch đối với vắc xin Covid-19 vaccine AstraZeneca.
 
“Kết quả thẩm định cho thấy đây là vắc xin an toàn có tỷ lệ sinh miễn dịch cao, trên 90%. Vì đây là vắc xin đã được lưu hành, được Cơ quan Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ và Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu cho phép sử dụng nên khi về Việt Nam, vắc xin sẽ không phải nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, chỉ tiến hành tiêm và lấy mẫu xét nghiệm, đánh giá sinh miễn dịch trên người Việt Nam. Trong tình huống dịch vẫn lây lan mạnh, thì sẽ tiêm ngay và lấy mẫu trên một nhóm người tiêm, thay vì chờ gần 2 tháng sau khi có dữ liệu đánh giá”, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, cho biết.
 
Theo đại diện của VNVC, đến thời điểm hiện tại, VNVC đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống phần mềm trực tuyến cho việc đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 ngay khi về đến Việt Nam. Nhân lực tiêm chủng, hệ thống kho lạnh, thiết bị bảo quản, phân phối vắc xin Covid-19 đã thiết lập, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn do Bộ Y tế quy định và khuyến cáo của nhà sản xuất, đã được hoàn thiện. Bộ Y tế đang lên kế hoạch phân bổ vắc xin cho các đối tượng tiêm, trước diễn biến dịch Covid-19 đang lây lan trong cộng đồng do chủng vi rút mới có khả năng lây lan rất nhanh. Sẽ ưu tiên tiêm trước tiên cho nhân viên y tế, những người nguy cơ cao tuyến đầu chống dịch.
 
Trước đó, tại buổi Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP sáng 4/1/2021, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết Việt Nam đang đàm phán với 4 nước là  Anh, Mỹ, Nga và Trung để mua vaccine AstraZeneca (với Anh); mua Pfizer (với Mỹ), mua vaccine Sputnik V (với Nga). Trong khi đó, thông tin về vaccine của Trung Quốc không được đề cập.
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện Việt Nam đang có kết quả gần nhất với công ty của Anh để mua vaccine AstraZenec: "Chúng ta đã ký với họ đảm bảo vaccine cho 15 triệu dân, nghĩa là khoảng 30 triệu liều. Theo lộ trình quý I đến quý IV đều có vaccine".  Phía công ty Pfizer cũng đặt ra lộ trình đến quý IV này sẽ giao vaccine cho Việt Nam. Với vaccine của Nga, Việt Nam đang đàm phán theo hướng chuyển giao công nghệ sản xuất cho một công ty trực thuộc của Bộ Y tế.
 
 
Việt Nam sẵn sàng hệ thống phần mềm trực tuyến đăng ký tiêm vắc xin COVID-19 - ảnh 2
Bộ Y tế đã ký quy tắc để mua vaccine AstraZeneca (Anh)
 
Thứ trưởng Trương Quốc Cường thông tin, việc mua vaccine còn phụ thuộc vào điều kiện bảo quản, thanh toán, giao hàng… Ngoài ra, còn vấn đề thử nghiệm lâm sàng. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết hiệu quả của các loại vaccine là khác nhau. Thấp nhất là loại 65%, còn cao nhất là loại 94,5%. Trung bình là 80-90%. "Tất cả điều này chúng tôi đang tính toán và xin ý kiến các bộ ngành để báo cáo Chính phủ bởi vấn đề này chưa có tiền lệ", Thứ trưởng nói.
 
Ngoài vaccine thương mại, trên thế giới còn có Liên minh toàn cầu về vắc xin và Tiêm chủng (GAVI), mua vaccine của một số công ty, để cung cấp cho 90 nước trong đó có Việt Nam. Vaccine này sẽ cung cấp cho khoảng 16% dân số thế giới, với giá rẻ nhất có thể được. "Trong quý I, Bộ Y tế sẽ có đầy đủ thông tin lên kế hoạch về vấn đề này", Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
 
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/2/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tiếp tục cho biết: Bộ đã ký quy tắc để mua vaccine AstraZeneca (Anh). Theo đó, trong năm 2021, 30 triệu liều vaccine sẽ được cung cấp cho Việt Nam, sớm nhất là quý I. Vaccine mới sẽ dùng cho các đối tượng ưu tiên gồm: Cán bộ y tế liên quan trực tiếp chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh nền nguy cơ cao tử vong nếu mắc Covid-19, có thể tính đến cả cán bộ ngoại giao. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là EU đang khống chế xuất khẩu. Bộ Y tế đang đàm phán để nhanh nhất có vaccine. Ngoài ra, Bộ Y cũng đang đàm phán để có các loại vaccine của Mỹ, Nga và Trung Quốc.
 
Minh Hoa