Việt Nam sẽ sớm thành trung tâm sản xuất laptop cho toàn cầu

10:59 | 27/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như hiện tại, Việt Nam và Thái Lan được dự đoán sẽ là trung tâm sản xuất laptop cho toàn cầu trong tương lai gần sắp tới.
Một nhận định mới đây của Viện Tư vấn và Dự báo thị trường (MIC), cơ quan tư vấn của Chính phủ Đài Loan cho biết khu vực Đông Nam Á sẽ dần thay thế Trung Quốc để trở thành “công xưởng sản xuất” máy tính xách tay của thế giới.
 
Chia sẻ về nhận định này, Nikkei Asian Review dẫn nguồn của MIC cho biết chi phí lao động ở Trung Quốc ngày càng tăng cũng như sự phụ thuộc quá mức vào một khu vực đang ngày càng giảm sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch sang Đông Nam Á.
 
viet nam laptop
Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành công xưởng sản xuất laptop cho toàn cầu. Ảnh: Internet
 
Hiện tại, mỗi năm toàn cầu chứng kiến khoảng 160 triệu chiếc laptop được xuất xưởng. Trung Quốc vẫn đang dẫn đầu trong ngành sản xuất này khi chiếm tới 90% sản lượng của thế giới. Tuy nhiên, chỉ vài năm nữa sự áp đảo như vậy sẽ không còn tồn tại khi các dây chuyền được chuyển dần về Đông Nam Á.
 
Dữ liệu của các nhà sản xuất được MIC công bố cho thấy thị phần sản xuất laptop của Trung Quốc sẽ giảm từ 90% xuống còn 40% vào năm 2030.
 
Wistron (ông lớn sản xuất laptop theo hợp đồng lớn của Đài Loan) đang có kế hoạch sản xuất máy tính xách tay tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các công ty khác của Đài Loan như Compal Electronics cũng đang xem xét chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam. 
 
Hon Hai Precision Industry (nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới) hay có tên gọi quen thuộc là Foxconn cũng có thể lên kế hoạch sản xuất laptop tại Việt Nam.
 
Quanta Computer (nhà sản xuất theo hợp đồng lớn thứ ba thế giới) dự kiến sẽ đặt nhà máy sản xuất máy tính xách tay tại Thái Lan.
 
Nikkei Asian Review chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng nhu cầu học online, làm việc từ xa và nhu cầu về Chromebook chạy trên hệ điều hành Google. Điều này giúp sản lượng laptop xách tay toàn cầu năm nay dự kiến sẽ tăng 6% trong năm nay lên 170 triệu chiếc.
 
Mới đây, một mẫu Chromebook được cho ra đời với sự kết hợp của tập đoàn Lenovo của Trung Quốc, HP ở Mỹ và Asustek của Đài Loan. Giá bán của loại mẫu này chỉ khoảng vài trăm USD. Hầu hết các mẫu Chromebook này được sản xuất theo hợp đồng với các công ty Đài Loan.
 
viet nam laptop
Các công ty công nghệ lớn đang dần chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Ảnh: Internet
 
Đầu tháng 8 vừa qua, một nguồn tin của Nikkei cho biết Samsung sẽ đóng cửa nhà máy tại Tô Châu, Trung Quốc. Đại gia công nghệ Hàn Quốc này đang tính toán chuyển các công việc lắp ráp máy tính về những nhà máy tại Việt Nam. Người đại diện của Samsung cho biết quyết định này nhằm để tối ưu chi phí.
 
Trước đó nữa năm, các thông tin về dòng laptop Surface sẽ được sản xuất tại miền bắc Việt Nam từ quý II năm nay cũng rộ lên ở nhiều diễn đàn công nghệ.
 
"Khối lượng công việc tại Việt Nam ban đầu sẽ không lớn. Tuy vậy, Microsoft muốn sản lượng sẽ tăng mạnh hơn trong tương lai", Nikkei dẫn lại lời của một giám đốc của chuỗi cung ứng.
 
MIC dự đoán sản lượng laptop tại Đông Nam Á (khoảng 50%) sẽ vượt qua Trung Quốc (chỉ còn 40%) vào năm 2030. Viện nghiên cứu này cho rằng chi phí lao động tăng cao và việc tránh phụ thuộc vào một khu vực sản xuất duy nhất là lý do các công ty gia công đang hướng tới Đông Nam Á.
 
Nikkei cho rằng ở thị trường máy tính, thị phần và lợi nhuận có mối liên hệ trực tiếp với nhau. Nhiều nhà sản xuất Nhật Bản đã quyết định rời một thị trường khi nhận ra mình không còn chiếm thị phần lớn. Do vậy, các thương hiệu với thị phần nhỏ hơn như Samsung càng phải tìm cách giảm chi phí bằng cách thay đổi nhà máy sản xuất.
 
Anh Quân