Việt Nam vẫn có lợi thế lớn về môi trường đầu tư
(DNVN) - Theo đánh giá của doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam vẫn có lợi thế lớn về môi trường đầu tư như quy mô và tính tăng trưởng của thị trường, tình hình chính trị xã hội ổn định và môi trường sống lý tưởng cho người nước ngoài.
Đây là thông tin được Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đưa ra tại buổi họp báo công bố kết quả “Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại châu Á - châu Đại Dương năm 2019” mới đây.
Theo đó, khảo sát này được Jetro thực hiện vào khoảng tháng 9/2019 thông qua các câu hỏi về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á, châu Đại Dương. Trong lần khảo sát thứ 33, Việt Nam là quốc gia có nhiều doanh nghiệp trả lời hợp lệ cao nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát.
Cụ thể, các hạng mục khảo sát chủ yếu về triển vọng lợi nhuận kinh doanh, kế hoạch triển khai hoạt động kinh doanh từ nay về sau, thuận lợi rủi ro trong môi trường đầu tư, việc thu mua nguyên liệu - linh phụ kiện, tình hình xuất nhập khẩu, ứng dụng công nghệ số và tiền lương.
Kết quả khảo sát hơn 5000 doanh nghiệp, thì có 858 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phản hồi hợp lệ và cho rằng có sự cải thiện rõ rệt về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể, về lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp, so với kết quả khảo sát lần trước, tỷ lệ doanh nghiệp "có lãi" chiếm 65,8%, tăng 0,5 điểm so với năm 2018.
Cùng với đó, tỷ lệ có lãi đối với doanh nghiệp theo thời điểm thành lập đang có nhiều công ty tương đối trẻ nhưng có lãi cao ở mức ổn định, điều này cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi rất cao và các doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian dài.
Đánh giá về kết quả này, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng Jetro tại Hà Nội cho biết: “Trong bối cảnh tình hình kinh doanh ở khu vực châu Á - châu Đại dương đang suy giảm thì ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vẫn vững mạnh. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp Nhật Bản thành lập từ năm 2016 trở lại đây, việc làm ăn có lãi vẫn là bài toán khó khi chỉ có 29% doanh nghiệp được khảo sát tự tin có lãi. Trong khi đó, những doanh nghiệp “thâm niên” có tỷ lệ báo lãi rất cao, lên tới 80,9%.
Xét về lĩnh vực, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tạo chiếm áp đảo trong số các doanh nghiệp báo lãi. Đáng chú ý, khoảng một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản được khảo sát tin tưởng lợi nhuận kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2019 và 2020 sẽ được cải thiện.
63,9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có định hướng mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam, tỷ lệ này giảm nhẹ so với kết quả khảo sát năm 2018, nhưng vẫn cao nhất trong khu vực ASEAN. Phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản chọn mở rộng hoạt động tại Việt Nam là do kỳ vọng doanh thu sẽ tăng lên trong 1-2 năm tới, đặc biệt là doanh thu tại thị trường các địa phương và doanh thu từ mở rộng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam đang là lựa chọn số 1 của các doanh nghiệp Nhật Bản trong kế hoạch di chuyển địa điểm sản xuất dưới những biến động của môi trường thương mại quốc tế.
Trong đó, nguồn di chuyển là từ Trung Quốc sang Việt Nam chiếm 42,3%. Kế hoạch di chuyển này không phải đóng cửa hoàn toàn cơ sở tại Trung Quốc mà là mở thêm các chi nhánh tại Việt Nam. Nó tuỳ thuộc vào chiến lược của từng doanh nghiệp Nhật Bản nhưng chủ yếu để phân tán tủi ro đầu tư tại Trung Quốc.
Lý giải nguyên nhân này, ông Takeo Nakajima cho rằng, Việt Nam có 3 lợi thế lớn về môi trường đầu tư, gồm quy mô và tính tăng trưởng của thị trường, tình hình chính trị xã hội ổn định và môi trường sống lý tưởng cho người nước ngoài ở Việt Nam được cải thiện hàng năm.
Tuy nhiên, theo ông Takeo Nakajima, không ít doanh nghiệp cũng lo ngại rủi ro chi phi nhân công tăng lên, khó khăn trong tuyển lao động và tỷ lệ nghỉ việc tăng cao, bên cạnh những rủi ro từ hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, thủ tục thuế phức tạp. Do đó, doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục hoàn thiện các chính sách và thủ tục, đặc biệt là thủ tục xin cấp phép còn phức tạp như giấy phép đầu tư, thủ tục thuế, hải quan, phòng cháy chữa cháy… Việc giải thích các quy định pháp luật và thực hiện thủ tục còn “vênh” và tùy thuộc vào khu vực và người giải quyết thủ tục.
Đánh giá về kết quả khảo sát của Jetro, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Kết quả khảo sát đã phản ánh thực tiễn, khách quan các hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, không chỉ cụ thể trong từng ngành, nghề mà còn ở từng vùng miền của Việt Nam.
Bên cạnh những ưu điểm và xu thế tích cực vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, nhưng nhìn về tổng thể các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tin tưởng và đầu tư vào thị trường Việt Nam. Qua đó cũng thấy được các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy công nghiệp phụ trợ bước đầu đã có hiệu quả từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản.
Ông Đỗ Nhất Hoàng cũng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Kết quả khảo sát và những kiến nghị của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam sẽ được Cục ghi nhận, phối hợp với các bộ, ngành làm rõ, tháo gỡ.