Việt, Nhật hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và đầu tư vào năm 2020

12:03 | 28/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân mở ra một bước phát triển vượt bậc trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, đặc biệt là quan hệ kinh tế, thương mại với mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và đầu tư vào năm 2020.

Việt, Nhật hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và đầu tư vào năm 2020 - ảnh 1
Nguồn: tienphong.vn.
Từ 29/5-2/6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Nhật Bản. Nhà Vua Akihito và Hoàng hậu sẽ tiếp kiến và tổ chức Quốc yến long trọng chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân. Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu, hội đàm với Ngài Thủ tướng Shinzo Abe và gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Quốc hội, đại diện các giới chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa… về phương hướng và các biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, trong đó chú trọng tăng cường tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân.
Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là dịp để hai nước bày tỏ quyết tâm đưa quan hệ 2 nước lên một giai đoạn phát triển mới.

Trước chuyến thăm, trả lời phỏng vấn các hãng truyền hình, thông tấn, báo Nhật Bản, như Đài truyền hình NHK, Hãng thông tấn Kyodo News, Jiji Press, Báo Nikkei, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Tôi rất vui mừng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản đúng vào dịp hai nước chúng ta tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, góp phần đưa quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa Việt Nam và Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển mới, hợp tác sâu rộng, thực chất hơn trên các lĩnh vực, thúc đẩy sự phát triển phồn vinh của mỗi nước, đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới”.

Phía Nhật Bản cũng đặc biệt coi trọng mối quan hệ tin cậy với Việt Nam, VOV dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường: “Hàng năm, Nhật Bản chỉ đón 1 đến 2 đoàn thăm cấp Nhà nước. Nhật Bản xác định đón Chủ tịch nước ta thăm cấp Nhà nước trong năm nay thể hiện Nhật Bản hết sức coi trọng vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới, coi trọng sự phát triển mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản”.

Tờ báo tiếng Anh lớn nhất Nhật Bản -  Japan Times ngày 28/5 đăng tải bài viết với tiêu đề “Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang – vị quốc khách của Nhật Bản”, TTXVN cho biết. Bài viết nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm đối với mối quan hệ hữu nghị đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất giữa Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời khẳng định hai nước đã đạt được sự tin tưởng cao về chính trị.

Kinh tế, thương mại sẽ là một trong những vấn đề trọng tâm cần thúc đẩy trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thông qua chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ mong muốn quan hệ hợp tác, gắn kết kinh tế giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng chặt chẽ, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân mỗi nước.

“Để khai thác có hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của nhau, chúng tôi mong muốn hai bên quan tâm ưu tiên thúc đẩy liên kết kinh tế thông qua tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA), cùng nỗ lực để đạt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và đầu tư vào năm 2020 so với năm 2014”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời phỏng vấn các hãng truyền hình, thông tấn, báo Nhật Bản trước chuyến thăm sắp tới.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước sẽ hướng tới việc hai nước Việt Nam và Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông, thủy sản vào thị trường của nhau nhiều hơn; triển khai hiệu quả Sáng kiến chung Việt-Nhật để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy hơn nữa làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng... nhằm duy trì vị trí nhà đầu tư nước ngoài số một của Nhật Bản tại Việt Nam.

Triển khai hợp tác theo Kế hoạch hành động của 6 ngành công nghiệp đã được lựa chọn trong Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, gồm ô tô và phụ tùng ô tô, máy nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông thủy sản, đóng tàu, điện tử, công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Thúc đẩy phía Nhật Bản tích cực hợp tác phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, duy trì ODA của Nhật Bản cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực quản lý kinh tế, hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả các dự án quy mô lớn, tái cơ cấu nền kinh tế và tăng trưởng bền vững.

Việt Nam mong muốn Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác ưu tiên của Chương trình “Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng” (200 tỷ USD) và “Sáng kiến kết nối Mekong-Nhật Bản” (6,8 tỷ USD). Tăng cường hơn nữa hợp tác trong những lĩnh vực hai nước có nhu cầu và tiềm năng lớn, như nông nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, giáo dục, tích cực hỗ trợ và đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương hai nước, qua đó thúc đẩy đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử.

Một nền tảng mới cho quan hệ hai nước là Việt Nam và Nhật Bản đã cùng nhau tích cực đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo dự kiến, bắt đầu từ năm 2019, Hiệp định này sẽ có hiệu lực, mở ra triển vọng hợp tác mới cho doanh nghiệp hai nước.

Năm 2017, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư, đồng thời là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm hơn 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp, trong đó hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. ODA của Nhật Bản được sử dụng có hiệu quả trong các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghệ cao, nông nghiệp sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo…, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang có nhiều dư địa đầu tư và mở rộng đầu tư tại Nhật Bản, không chỉ trên lĩnh vực may mặc, y tế, công nghệ thông tin mà còn trên các lĩnh vực như hàng không, logistic, bất động sản nghỉ dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu lao động thương mại điện tử, thanh toán điện tử, bán lẻ, đại lý du lịch.

Cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản có gần 250.000 người, gấp ba lần so với 5 năm trước, trong đó số lượng thực tập sinh và sinh viên Việt Nam tăng lên nhanh chóng với gần 200.000 người. Cộng đồng người Nhật Bản cũng ngày một lớn mạnh với khoảng 16.000 người đang sinh sống, làm việc và kinh doanh thành công tại Việt Nam.

Thời gian gần đây, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh nỗ lực quảng bá mặt hàng nông sản nước ta tại thị trường Nhật Bản. Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam đang tạo cơ hội cho những doanh nghiệp Việt Nam có liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam được ưu tiên hơn khi xét hồ sơ vay vốn ODA.  

Hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang được Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thúc đẩy. 

Cơ hội cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận và mở rộng đầu tư tại Việt Nam và Nhật Bản đang rất lớn.