Vietracimex: Dự án ở đâu sai ở đó!
Vừa qua, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã thông tin cho báo chí về sai phạm dự án Hinode City do Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư.
Công trình Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ tại số 201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội (Hinode City) đã được Cục Giám định kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng và có Thông báo số 89/GĐ-ATXD/GT ngày 06/02/2020, kết luận dự án chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng.
Dự án Hinode City bị Cục giám định kết luận sai phạm
Trước đó, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) đã xử phạt Công ty Vietracimex (chủ đầu tư dự án) 103 triệu đồng đối với 2 hành vi vi phạm.
Lý do chủ đầu tư dự án Hinode City đã thi công, lắp đặt không đúng thiết kế về PCCC đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt và đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC. Thời gian khắc phục các vi phạm nêu trên là 30 ngày.
Cùng đó, UBND quận Hai Bà Trưng quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex vì hành vi bàn giao, đưa công trình vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan chức năng. Hành vi vi phạm tại dự án Hinode City bị xử phạt 75 triệu đồng. Thời gian khắc phục vi phạm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND quận Hai Bà Trưng là 15 ngày.
Vietracimex tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải.
Trải qua gần 60 năm hoạt động, Vietracimex đã phát triển vượt bậc, trở thành một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành. Hiện tại Vietracimex sở hữu 15 công ty thành viên, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính gồm: Bất động sản, Sản xuất công nghiệp, Năng lượng và Thương mại dịch vụ.
Người đại diện theo pháp luật của Công ty này là ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Tổng công ty.
Trong giới đầu tư, Vietracimex là một cái tên không xa lạ khi là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, giao thông, thuỷ điện,…. Thế nhưng “tiếng ít”, “tai nhiều”, cứ khi nhắc đến các dự án của Vietracimex thì dư luận đều ngán ngẩm vì đụng đâu sai đó.
“Ôm đất” dự án
Một trong số đó từng là niềm tự hào của tỉnh Hà Tây cũ đó là Dự án khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch. Dự án này được triển khai theo Quyết định số 1256/QĐ-UBND của tỉnh Hà Tây cũ. Theo đó, dự án thuộc địa bàn hai xã Kim Chung và Di Trạch (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) có quy mô 176,05 ha. Dự án được ra mắt thị trường từ năm 2008, thế nhưng nhiều năm nay dự án này bị bỏ hoang, phần lớn diện tích để hoang hóa chưa đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được xây dựng.
"Siêu dự án" Kim Chung - Di Trạch đắp chiếu nhiều năm
Đáng nói, hơn một thập kỷ bị đắp chiếu, thời gian gần đây dự án này bỗng được rao bán ồ ạt, thậm chí từ đầu tháng 11/2020, dự án còn được thổi giá gấp đôi, gấp 3 so với trước đây. Mặc dù hiện trạng chỉ hoàn thành có 7 - 8 dãy nhà liền kề, biệt thự được xây thô, còn lại đa số diện tích đất vẫn đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.
Theo Chi cục thuế huyện Hoài Đức, dự án khu đô thị Kim Chung – Di Trạch còn nợ hàng trăm tỷ đồng tiền sử dụng đất. Tổng số tiền Vietracimex chưa nộp ngân sách tính đến thời điểm 30/9/2020 là 463,9 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chậm nộp tiền sử dụng đất còn nợ tạm tính 459 tỷ đồng. Tiền chậm nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là 4,8 tỷ đồng.
Làm dự án thuỷ điện kiểu “bố đời”
Thủy điện Tà Thàng được khởi công xây dựng vào cuối năm 2008, hoàn thành và phát điện hòa lưới vào tháng 10/2013, công suất lắp máy 60MW, điện lượng bình quân đạt 270 triệu KWh. Nhà máy được xây dựng tại thôn Tà Thàng, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng trong khi đó phần hồ chứa tại thôn Nậm Lang, xã Suối Thầu, huyện Sa Pa.
Dự án Thủy điện Tà Thàng “nổi tiếng” suốt từ thời điểm năm 2014 Lào Cai chuẩn bị hoàn thiện cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 152 nối 2 huyện Bảo Thắng và Sa Pa.
Thuỷ điện Tà Thàng "bỏ qua" ý kiến địa phương?
Cả tuyến đường dài 50 cây số nhưng chỉ còn 400m bị nhà máy ách lại không cho xây dựng vì cho rằng ảnh hưởng đến an toàn đập, ngay cả các phương tiện phổ thông và người dân bản địa đi qua cũng gặp khó dễ. Đến tận tháng 3 vừa qua, câu chuyện mới tạm thời được giải quyết kéo theo không ít lùm xùm.
Bên cạnh đó, sau quá trình bị Thanh tra tỉnh Lào Cai thanh tra hồi tháng 4 - 5/2018, Thủy điện Tà Thàng không chỉ gây chấn động bởi hàng chục tỷ đồng “chây ì” tiền nợ thuế, phí nói trên, mà còn bị cơ quan có thẩm quyền phanh phui hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng như xây dựng khi không có hồ sơ xin cấp phép; không có giấy chứng nhận chất lượng công trình xây dựng theo quy định; chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; không có quyết định của cấp có thẩm quyền cho thuê đất; việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng không bảo đảm quy định…
Trong các năm 2015, 2018, với những sai phạm trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, Chủ đầu tư Thủy điện Tà Thàng cũng từng bị xử phạt hành chính 2 lần với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.
“Thích thì thu, không thì thì vẫn thu”
Vào thời điểm cuối năm 2018 – 2019, Dự án BOT của Vietracimex dính vào bê bối khi doanh nghiệp này tiến hành cho các nhân viên tại trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn quốc lộ 2, tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Trước đó, từ ngày 18/12/2018, trạm BOT này bị cánh tài xế phản đối việc thu phí.
Ngoài ra, cùng với sự xuất hiện của nhiều cảnh sát (CSCĐ, CSGT, CS PCCC, Thanh tra Giao thông, Công an huyện) thuộc Công an TP Hà Nội ở trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài phối hợp hướng dẫn phân luồng, hỗ trợ an ninh, nhắc nhở tài xế không tụ tập phản đối… càng gây nhiều ý kiến tranh cãi cho dư luận.
Được biết, Viettracimex 8 sử dụng trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài thu hoàn vốn tuyến tránh TP Vĩnh Yên từ năm 2009. Giá trị gói thầu này lên tới khoảng 530 tỷ đồng, với thời hạn thu hoàn vốn trong vòng 16 năm 10 tháng 11 ngày. Mức giá thấp nhất là 10.000 đồng/xe 4 chỗ.
Nhiều tài xế cho rằng xe của mình “không đi đường tránh sao lại phải trả tiền”, nên suốt thời gian qua hàng trăm lái xe nhiều lần tập trung phản đối việc thu phí của trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài. Tài xế yêu cầu chủ đầu tư Vietracimex 8 dỡ trạm BOT này và chuyển về tuyến tránh TP Vĩnh Yên.
Đối với vấn đề này, ít nhất hai lần TP Hà Nội đã đề nghị Bộ GTVT dừng thu phí và di chuyển trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài về vị trí đường tránh TP Vĩnh Yên. Bởi đây là tuyến đường đối ngoại huyết mạch nối trung tâm thành phố với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - hình ảnh của đất nước.
Tuy nhiên trước đó, ông Nguyễn Văn Công - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Năm 2013, theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội di rời trạm BOT này tới vị trí khác, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ, đề nghị ngân sách mua lại hoặc sáp nhập BOT này vào BOT Vĩnh Yên - Nội Bài. Song sau khi Chính phủ họp, xin ý kiến các Bộ ngành đã chỉ đạo Bộ GTVT vẫn tiếp tục thu phí".
Lý giải việc Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài, Thứ trưởng Công cho biết, có 2 lý do, đó là: Bây giờ hợp đồng đã ký với nhà đầu tư, nếu phá vỡ hợp đồng thì sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ, phá vỡ các quy định tại hợp đồng, nhà đầu tư sẽ kiện.
Thứ hai, là tuyến đường đi qua trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài không còn là tuyến đường độc đạo. Giờ còn có tuyến đường từ Hà Nội lên Nội Bài theo hướng cầu Nhật Tân, không thu phí. Trong khi các Bộ ngành vẫn chưa đưa ra phương án cuối cùng, BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài tiếp tục thu phí trở lại càng khiến giới tài xế trên cả nước bức xúc.
Liên quan đến những nội dung trên, PV đã nhiều lần liên hệ đến Vietracimex nhưng đều không nhận được phản hồi.
Trao đổi với PV, Luật sư lê Văn Kiên – Trưởng VP Luật sư Ánh Sáng Công lý nhận định, hiện nay có rất nhiều chủ đầu tư thường “đi tắt”, nghĩa là chưa đảm bảo an toàn nghiệm thu đã đưa vào sử dụng. Điều này tiềm ẩn nhiều hiểm hoạ về an toàn công trình, PCCC cũng như tính pháp lý giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Cũng theo luật sư Kiên, hiện nay mỗi hành vi vi phạm quy định về PCCC thì mức xử phạt cao nhất cũng chỉ 50 triệu đồng theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Trong khi đó các hành vi vi phạm này có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn sinh mạng của nhiều cư dân khi vào sinh sống trong các chung cư chưa được nghiệm thu PCCC.
Trong trường hợp nếu chế tài chưa đủ tính răn đe thì cần thiết mời cơ quan điều tra vào làm rõ trách nhiệm chủ đầu tư khi cố ý làm trái quy định của nhà nước.
Còn nữa...
Hải Đăng
Xem thêm: Bức tranh thị trường Bất động sản thời gian tới liệu có tươi sáng?