Cách phối hợp xây dựng các ứng dụng của các đối tác ngân hàng dần giúp VNLife lớn mạnh và vượt mốc định giá 1 tỷ USD để trở thành kỳ lân thứ hai tại Việt Nam.

Xét về mặt thương hiệu, VNLife không phải là cái tên quá quen thuộc với phần lớn người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, VNLife lại là công ty sở hữu một trong những ví điện tử phổ biến nhất trên thị trường - VNPay.

Trước khi VNLife được chính thức công nhận vượt mốc định giá 1 tỷ USD vào cuối năm 2020, Việt Nam đã trải qua một giai đoạn khá khan hiếm kỳ lân sau khi Vinagame làm được điều này vào năm 2014 (dù trước đó một số trang tin về khởi nghiệp tiết lộ VNLife có thể đã đạt trạng thái kỳ lân vào năm 2019).

Giai đoạn 2014-2020 chứng kiến hàng loạt các công ty công nghệ khác ở Đông Nam Á cán và mượt mốc 1 tỷ USD định giá như Grab, Gojek, Traveloka, Garena, Bigo...

Như vậy, để trở thành kỳ lân thứ hai tại Việt Nam, VNLife đã mất khoảng 13 năm bền bỉ hoạt động từ khi thành lập vào năm 2007.

Trong hệ sinh thái VNLife, VNPay chắc chắn là cái tên được nhiều người biết đến nhất. VNPay đẩy mạnh quảng bá hình ảnh thông qua các chương trình giảm giá khi thanh toán qua hệ thống của mình cũng như mạng lưới thanh toán qua mã QR tại các thành phố lớn.

Theo thông tin công bố, VNPay hiện là đối tác liên kết của hơn 40 ngân hàng tại Việt Nam. Cách tiếp cận và mở rộng hoạt động của VNPay cũng vô cùng độc đáo. Thay vì việc xây dựng một ứng dụng với thật nhiều tính năng, VNPay phối hợp với các ngân hàng đối tác để xây ứng dụng cho những nhà băng này.

Trên thực tế, hai trong số các thành viên của nhóm sáng lập công ty đều là những nhân sự từng hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng là các ông Trần Trí Mạnh và Mai Thanh Bình. 

Trong một bài phỏng vấn với tờ TechInAsia vào năm 2010, Niraan De Silva, Giám đốc điều hành VNLife khẳng định mô hình của công ty là mô hình đầu tiên trên thế giới.

Ông De Silva cũng dẫn ra một ví dụ về Yono. Tuy nhiên Yono lại được phát triển bởi chính Ngân hàng trung ương Ấn Độ chứ không phải một đơn vị nào khác.

Đây là điểm độc đáo của VNPay so với hàng chục doanh nghiệp khác đã được cấp phép kinh doanh ví điện tử bởi Ngân hàng Nhà nước.

Mặc dù VNPay đang là mũi nhọn của VNLife nhưng ngay từ vài năm trước khi chính thức trở thành kỳ lân, công ty đã bắt đầu phát triển thêm các mảng kinh doanh khác để xây dựng dần hệ sinh thái.

Trong số đó, VNTravel là công ty vận hành các đại lý du lịch trực tuyến, trong đó có hệ thống đặt phòng Mytour; Teko là công ty đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ; Dichung là nền tảng chia sẻ xe và Tripi, nền tảng công nghệ kinh doanh du lịch.

Du lịch, chia sẻ xe hay đầu tư mạo hiểm đều là những mảng kinh doanh tiềm năng nhưng cũng đầy cạnh tranh tại Việt Nam với các đối thủ cả trong và ngoài nước.

VNLife bắt đầu xây dựng những mảng kinh doanh khác bên cạnh VNPay từ những năm 2015. Thế nhưng phải đến năm 2019 mới bắt đầu xuất hiện những thông tin về việc công ty gọi vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm.

Theo thống kê từ chuyên trang CrunchBase, VNLife hiện mới qua hai vòng gọi vốn. Trong số đó, vòng Series A do SoftBank và quỹ GIC dẫn dắt với giá trị lên đến 350 triệu USD diễn ra vào năm 2019. Vòng Series B của công ty có giá trị 250 triệu USD và ngoài hai nhà đầu tư cũ còn có thêm Paypal và một số công ty khác.

Theo thông tin từ Cổng đăng ký Quốc gia về Doanh nghiệp thì vào năm 2020, VNLife đã tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

Là sản phẩm mũi nhọn trong hệ sinh thái VNLife, VNPay dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng với chính sách khuyến mãi, giảm giá khi thanh toán qua nền tảng. 

Trên thực tế, chiến lược giảm giá, chịu lỗ thời gian đầu để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ là điều không mới với các startup trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ di chuyển cho tới thương mại điện tử. Lĩnh vực mà VNPay sử dụng khuyến mại ở đây chính là dịch vụ thanh toán.

Tuy nhiên, việc giữ chân khách hàng cũng trở thành vấn đề đau đầu cho các startup kể trên, dù với riêng mảng thanh toán di động, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng khi dư địa vẫn còn lớn. 

Chính ông De Silva cũng từng khẳng định rất khó để giữ chân một khách hàng thành khách hàng trung thành. Một ví dụ được nêu ra là ở mảng thương mại điện tử, khách hàng sẽ tìm kiếm và so sánh giá ở nhiều sàn khác nhau trước khi quyết định mua ở sàn có giá rẻ nhất.

Tuy nhiên nếu cũng nhìn từ góc độ thị trường thương mại điện tử, thị trường Việt Nam cũng từng là cuộc chiến của 4 cái tên không quá vượt trội nhau là Tiki, Sendo, Lazada và Shopee. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, Shopee đã vượt xa ba đối thủ còn lại về lượt truy cập, theo những báo cáo gần đây của iPrice.

Với các cuộc đua dùng tiền để khuyến mại cho người dùng, doanh nghiệp có thể sẽ thu được quả ngọt sau khi đánh bại các đối thủ cạnh tranh để đạt được một vị thế lớn trên thị trường.

Hiện tại, VNLife không chỉ hoạt động kinh doanh ở thị trường Việt Nam mà còn mở rộng ra các thị trường khác ở Đông Nam Á. Báo cáo về kinh tế số của Google, Temasek, Company & Bain cho biết với hơn 600 triệu dân, Đông Nam Á là một thị trường màu mỡ cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh tế số. Thị trường kinh tế internet tại riêng Việt Nam có thể đạt mốc 220 triệu USD vào năm 2030.