Vợ liệt sĩ ở Thanh Hoá: Làm dâu trọn cả một đời, làm vợ vẻn vẹn chỉ mươi ngày tròn

20:36 | 24/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
53 năm, người ta lấy khoảng thời gian này để làm thước đo một kiếp người, còn bà Nguyễn Thị Trâm (Thanh Hoá) dùng số năm đó để viết lên một câu chuyện cổ tích thật đẹp, câu chuyện về “nghĩa phu thê” ở đời.

Những ngày cuối tháng 5, khi người dân cả nước đang khấp khởi đón chờ ngày hội non sông - Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân 23/05, chúng tôi tìm về thôn Đồng Mẫu (xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) để ghi lại câu chuyện “cổ tích tình yêu” của bà Nguyễn Thị Trâm (86 tuổi) dành cho người chồng quá cố của mình. Một câu chuyện đầy bi thương, nhưng cũng thật hào hùng, thật cao cả của thế hệ cha ông - những con người đã không tiếc máu xương để đổi lấy một nước Việt Nam hòa bình, tươi đẹp hôm nay. 

“Vợ à! Mới cưới em được mấy ngày mà anh đã phải xa nhà biền biệt. Nỗi nhớ em trong anh không khi nào ngơi nghỉ. Anh nhớ gương mặt, nhớ mái tóc, nhớ cả dáng vẻ tảo tần của người vợ thảo hiền. Chiến trường ác liệt, sự sống và cái chết chỉ mong manh như hạt sương mai trước gió. Nỗi nhớ em như nặng thêm nơi đầu súng. Anh ước không có chiến tranh để hai ta có một mái ấm trọn vẹn đúng nghĩa…” – Câu chuyện được gợi lên, được kết nối khi Bà Trâm nhờ tôi chậm rãi đọc bức thư tình đong đầy yêu thương của người chồng quá cố gửi cho bà. Từng kỷ niệm đẹp của đôi vợ chồng son trẻ ngày ấy cứ như dòng sông êm đềm, thơ mộng, lững lờ trôi về…

Câu chuyện tình yêu đẹp

Ngày ấy, chàng thanh niên tên Nguyễn Mạnh Toàn đẹp trai, chất phát, hiền lành đã chiếm trọn trái tim của cô thôn nữ thùy mị, nết na có một cái tên thật đẹp Nguyễn Thị Trâm. Nhưng, hoàn cảnh chiến tranh không cho phép hai người sớm về chung một nhà. 

Mãi đến cuối năm 1960, sau 6 năm yêu nhau, khi anh Toàn trở về với chiến công oanh liệt trên nước bạn Lào, đôi trai tài gái sắc mới quyết định nên duyên vợ chồng, thỏa ước mong của bao năm tháng đợi chờ đằng đẵng. Dẫu vậy, hạnh phúc ngắn chẳng tẻ gang, chỉ vài ngày mặn nồng bên vợ, anh Toàn lại phải chia tay, để lặng lẽ vào miền Nam tiếp tục chiến đấu. 

Chàng tiền tuyến, nàng hậu phương, khoảng cách nhớ nhung chỉ được gần lại bởi những bức thư tay đều đặn mỗi tháng. Rồi, mãi đến tết Nguyên Đán của năm sau đó, anh Toàn mới được về thăm nhà 3 ngày. May mắn, trong khoảng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi này, anh đã để lại cho vợ một thiên thần bé bỏng. 

Chiến tranh liên miên, ròng rã suốt những năm tháng chiến đấu còn lại, số ngày anh Toàn được về phép thăm nhà cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lần nào trở về, anh cũng nắm chặt tay vợ mà dặn dò: “Đất nước nguy khó, đời lính như anh phải phải xác định nắm chắc tay súng để bảo vệ Tổ quốc. Em nơi hậu phương, cố gắng giữ gìn sức khỏe, thay anh chu toàn công việc gia đình. Hẹn ngày chiến thắng, anh sẽ vẻ vang trở về bên hai mẹ con cùng xây đắp cuộc sống hạnh phúc, vẹn tròn”. 

Vợ liệt sĩ ở Thanh Hoá: Làm dâu trọn cả một đời, làm vợ vẻn vẹn chỉ mươi ngày tròn - ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Trâm nâng niu kỷ vật, những lá thư yêu thương của hai vợ chồng

Ôm giấc mộng hạnh phúc bình dị mà chồng gửi gắm, chị Trâm vẹn nghĩa phu thê, chịu thương chịu khó, tão tần buôn bán ngược xuôi, dệt vải, cấy lúa, phụng dưỡng bố mẹ chồng và nuôi nấng cô con gái bé bỏng nên người. Như bao người vợ, người mẹ Việt Nam anh hùng khác, chị Trâm cũng luôn nhủ lòng, dù chồng trở về bên đôi nạn gỗ, dù chồng trở về cùng chiếc xe lăn, hoặc chồng trở về với chiến công đầy thì tình cảm nơi chị vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. 

Nhưng trớ trêu thay, chị không thể tin rằng, ngay cả việc đón anh trở về dẫu không cần nguyên vẹn cũng quá đỗi xa vời. Những bức thư chị nhận được đều đặn nơi chồng mỗi tháng, cứ thưa dần rồi dứt hẳn. Linh tính của người vợ như mách bảo có chuyện chẳng lành. Đêm đến, nhìn đứa con thơ ngủ, xót con, thương chồng, nước mắt chị cứ lăn dài trên má. Ngày qua ngày, chị sống trong thấp thỏm, lo âu. 

“Sao mẹ khóc vậy mẹ? Bao giờ bố mới về thăm con hả mẹ?” - Những câu hỏi ngây thơ của cô con gái nhỏ, khi đó tuổi mới lên 6, như bóp nghẹn trái tim người mẹ. Dẫu chỉ là nỗi mong cầu nhỏ nhoi, gói gọn, chị Trâm vẫn khắc khoải mãi hi vọng, rằng chồng phải bận chiến đấu, rằng đang chiến tranh ác liệt, chồng chưa có thời gian để viết thư về….

Nhưng rồi, cái ngày định mệnh ấy cũng đến, những ngày đầu năm 1968 - thời điểm mà quân đội ta đẩy mạnh nhất từng chiến dịch giải phóng miền Nam, ba tháng sau bức thư cuối chồng gửi, chị nhận được giấy báo tử của anh. Trời đất như sụp đổ, trước mắt chị chỉ còn lại nỗi trống vắng mơ hồ, tiếng uất nghẹn của người vợ trẻ mất chồng tạc vào không gian niềm thỉnh cầu vang vọng “Chồng ơi, anh về đi!” 

Một đời son sắt

Trong những bức thư cuối, người chiến sĩ Toàn kiên trung ngày đó luôn tỏ ra lạc quan, động viên vợ: “Vợ à! Nếu chẳng may anh ngã xuống. Em đừng buồn nhé! Em hãy kể cho con chúng mình bố nó đã can trường, chiến đấu anh dũng ra sao. Anh cũng như đồng đội, đều mong đất nước mình sớm hòa bình, chiến tranh chấm dứt để được đoàn tụ với gia đình, hạnh phúc bên vợ con mãi mãi. Em ở nhà hãy luôn tự hào về anh, em nhé!” Và rồi, sau cùng, anh không quên chu toàn cho người phụ nữ đã vì anh mà chịu thiệt thòi: “Nếu anh không trở về thì em cứ đi bước nữa. Em còn trẻ, anh không trách em đâu, mãi yêu hai mẹ con…”.

Bố mẹ chồng thương chị còn trẻ, cũng khuyên chị đi bước nữa. Ở trong xã, nhiều người cũng ngỏ ý với chị. Tâm can chị giằng xé, chị cũng là phụ nữ bình thường như biết bao người phụ nữ khác, cũng muốn có một gia đình đủ đầy, ấm yên. Đấu tranh tư tưởng giữa hạnh phúc cá nhân và lời hứa vẹn tròn với chồng, cuối cùng, chị chọn sự sắt son. Một quyết định không hề dễ dàng, có nuối tiếc, có lo lắng, và cả nỗi dằn vặt giữa được và mất của sự đổi thay. Một quyết định khiến bao người lắc đầu trách thương. Một quyết định như khắc đậm hình ảnh chung của biết bao người vợ liệt sĩ Việt Nam khác: Nhỏ bé nhưng kiên gang... 

Rồi thời gian thấm thoát, guồng mưu sinh cứ kéo bà đi. Bà tăng gia sản xuất, lo từng công to việc lớn, nhỏ bên nhà chồng; hơn hết, bà lo cho cô con gái học hành nên người, tốt nghiệp đại học, trở thành một giáo viên giỏi, nguyên là giáo viên dạy môn Vật lí của Trường THCS Nhữ Bá Sĩ (Hoằng Hóa), hiện tại đã về hưu. 

Vợ liệt sĩ ở Thanh Hoá: Làm dâu trọn cả một đời, làm vợ vẻn vẹn chỉ mươi ngày tròn - ảnh 2

Cô con gái duy nhất của bà Trâm - chứng nhân cho tình yêu vĩnh cửu của bà và người chồng quá cố hào kể về truyền thống của gia đình

Bà có 3 người cháu, đều đổ đạt, thành công hết, tất cả đều đang công tác ở nhiều vị trí khác nhau trong công ty lớn ngoài thành phố Hà Nội. “Thấy con cháu hạnh phúc, ấm no, bà cũng mãn nguyện rồi. Bà vẫn nhớ lời hứa khi xưa với ông, dù chỉ một ngày hạnh phúc cũng nên nghĩa vợ chồng cả đời. Bà mừng lắm! Khi nào nhắm mắt xuôi tay rồi được gặp lại ông nhà, bà sẽ tự hào kể với ông vì hai chữ “sắt son” vẫn giữ. Chắc ông ấy sẽ cảm động, cháu nhỉ?!” – Bà Trâm thủ thỉ vào tai tôi, rồi giơ tay gạt nhẹ mái tóc bạc trắng đang xõa xuống vầng trán nhăn nheo. 

53 năm, người ta lấy khoảng thời gian này để làm thước đo một kiếp người, còn bà dùng số năm đó để viết lên một câu chuyện cổ tích thật đẹp, câu chuyện về “nghĩa phu thê” ở đời.

Chia tay bà Trâm, tôi nhẹ nhàng đỡ bà đứng dậy, đi dọc con đường đất nhỏ sau vườn dẫn ra cổng. Bà Trâm khẽ kéo vạt áo lên dụi dụi vào hai hốc mắt sâu trũng, đã đục mờ theo thời gian: “Ông ấy về đấy. Mỗi lần gió thổi, bà đều tưởng tượng ra cảnh ông ấy đang bên cạnh”. Chúng tôi gật đầu, cố kìm nén bao chất chứa xúc cảm ngổn ngang để bước, sau lưng, văng vẳng vọng lại tiếng thơ lòng da diết: “Làm dâu trọn cả một đời/ Làm vợ vẻn vẹn chỉ mươi ngày tròn”. 

Nguyễn Trường - Cẩm Kỳ

Xem thêm:  Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ