Vốn, bài toán vẫn khó giải với doanh nghiệp vừa và nhỏ

15:02 | 26/01/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Năm 2018, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) mong mỏi dễ vay được vốn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng DNVVN tiếp cận vốn đã khó, được hưởng lãi suất giảm so với năm 2017 sẽ còn khó hơn.

Vốn, bài toán vẫn khó giải với doanh nghiệp vừa và nhỏ - ảnh 1
 DNVVN khó khăn trong tiếp cận vốn. Nguồn: Internet.
Bước vào năm 2018, DNVVN kỳ vọng sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn sau khi Luật Hỗ trợ DNVVN có hiệu lực, cùng với đó là yêu cầu của NHNN chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, theo nhận định chung của giới chuyên gia kinh tế và ý kiến từ phía doanh nghiệp: DNVVN tiếp cận vốn đã khó, được hưởng lãi suất giảm so với năm 2017 còn khó hơn.

Khó khăn mà DNVVN đưa ra trong buổi gặp gỡ giữa Hiệp hội DNNVV Việt Nam và một số ngân hàng vừa diễn ra tại TPHCM vẫn là câu chuyện rất cũ, đó là thủ tục vay vốn, tài sản thế chấp.

Ông Nguyễn Sơn Ca, đại diện cho một doanh nghiệp sản xuất gạch bông ở TPHCM than phiền: Công ty của ông đang có nhu cầu cần vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Về tài sản thì ông có nhà xưởng, dây chuyền thiết bị mới, tuy nhiên nhà xưởng của ông được xây dựng trên đất đi thuê. Do đó, công ty đang gặp khó với việc tiếp các gói tín dụng ưu đãi.

Lãi suất khá cao 18%/năm, DNVVN có thể chấp nhận. Nhưng thời hạn cho vay ngắn sẽ rất khó để doanh nghiệp có thể sử dụng hiệu quả vào việc xây dựng và kinh doanh. Các ngân hàng thường quảng cáo rất nhiều về các gói tín dụng hỗ trợ nhưng khi doanh nghiệp mang hồ sơ tới gặp ngân hàng thì mới "lòi ra" những cái khó mà ngay từ ban đầu không nhân viên ngân hàng nào tư vấn cụ thể, ông Ca chia sẻ.

Luôn nhấn mạnh về chủ trương tạo mọi điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo bằng cách cho vay tín chấp song Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại quốc doanh tại TPHCM cũng thừa nhận ngân hàng này muốn các DNVVN phải chứng minh được 3 vấn đề (làm ăn nghiêm chỉnh; minh bạch về thông tin với ngân hàng; có sự tâm huyết về ngành kinh doanh đang làm). Trong khi, quá trình chứng minh được tính hiệu quả trong phương án sản xuất kinh doanh, làm ăn nghiêm chỉnh sao cho đúng ý với ngân hàng không phải là việc dễ đối với doanh nghiệp.

Còn nhiều rào cản là nhận định mà Nhân dân điện tử đưa ra khi nói về động thái giảm lãi suất của ngân hàng năm 2018. "Làn sóng" giảm lãi suất chủ yếu mới chỉ diễn ra ở một số ngân hàng lớn, những ngân hàng thương mại cổ phần khác dường như vẫn "im hơi, lặng tiếng". Việc giảm lãi suất trong thời gian tới khó khả thi, khi các ngân hàng vẫn còn cạnh tranh nhau về vốn, thị phần, khiến lãi suất huy động không thể giảm, dẫn đến lãi suất cho vay cũng không giảm và thanh khoản hệ thống ngân hàng không quá dồi dào.

Trên hàng loạt diễn đàn, hội thảo trong những ngày đầu năm 2018, giới phân tích kinh tế đều cho rằng khả năng giảm lãi suất ngân hàng là rất khó, hiện còn tồn tại nhiều mâu thuẫn và bất cập trong quá trình tiếp cận vốn của DNVVN.

Tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư – kinh doanh 2018”, chuyên gia Cấn Văn Lực đưa ra 4 nguyên nhân cho việc ngân hàng khó giảm lãi suất. Thứ nhất, lãi suất đầu vào khó giảm. Thứ hai, vấn đề nợ xấu hiện đã được xử lý nhanh hơn nhờ Nghị quyết 42. Thứ ba, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức tương đối thấp so với khu vực, chỉ 2,2%-2,4%, so với Trung Quốc khoảng 3%, Philippines, Indonesia khoảng 2,8%-3%. Thứ tư, chi phí giao dịch kinh tế của Việt Nam rất cao.

TS. Lê Trí Hiếu thẳng thắn nêu ra những mâu thuẫn và bất cập trong quá trình tiếp cận vốn của DNVVN tại "Tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV/2017 và cả năm 2017".

Vốn, bài toán vẫn khó giải với doanh nghiệp vừa và nhỏ - ảnh 2
 TS. Lê Trí Hiếu, chuyên gia về tài chính, ngân hàng. Nguồn: Internet.
Khi các doanh  nghiệp "kêu gào" khó tiếp cận vốn, một số chuyên gia khuyên doanh nghiệp hãy phát hành trái phiếu và đừng quá lệ thuộc vào ngân hàng. Nghe ra thì đúng, nhưng trên thực tế, có bao nhiêu doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu?".

Những trái phiếu "ngon lành" bị mua hết rồi. Còn trái phiếu trên lĩnh vực bất động sản thì doanh nghiệp đụng vào sẽ "cháy tay". Chỉ doanh nghiệp lớn mới có thể phát hành trái phiếu. Những DNVVN chỉ có con đường duy nhất là tiếp tục "khổ ải" vay mượn ngân hàng với lãi suất cao. Thậm chí, vay được đối với họ đã là nỗi vui mừng, ông Hiếu khẳng định.

Vị chuyên gia có gần 40 năm kinh nghiệm làm ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và Việt Nam này cũng đưa ra một thực trạng không thể khác: Chính phủ mong muốn các ngân hàng giảm lãi suất để giúp doanh nghiệp nhưng điều này rất khó thực thi đối với các ngân hàng hạng trung và nhỏ. Bởi vì, tình hình thanh khoản tại các ngân hàng loại này "rất căng". Nếu hạ lãi suất, khách hàng lập tức sẽ chạy sang ngân hàng khác và điều này sẽ càng kiến vấn đề thanh khoản của ngân hàng hạng trung và nhỏ sẽ càng thêm trầm trọng.

"Tôi hy vọng trong năm 2018, Chính phủ sẽ có những giải pháp nâng cấp TTCK, để doanh nghiệp có khả năng tiếp cận thị trường vốn" và "làm thế nào để ngân hàng cho DNVVN vay vốn không còn như tiệm cầm đồ” (lúc nào cũng chỉ nhắc đến tài sản thế chấp) là mong muốn đầy tâm huyết của TS. Lê Trí Hiếu trước thềm năm mới 2018.

Minh Hoa