Vướng nhiều cáo buộc pháp lý, 'thái tử Samsung' Lee Jae Yong có thể chưa được bổ nhiệm
Nhiều chuyên gia cho rằng Samsung có thể chưa bổ nhiệm vị trí Chủ tịch cho ông Lee Jae yong vì ông vẫn đang vướng phải một số cáo buộc.
Trước đó vào hôm 25/10, chủ tịch Samsung Lee Kun Hee đã qua đời ở tuổi 78 sau 6 năm điều trị tại bệnh viện. Là con trai duy nhất của cố chủ tịch Samsung, ông Lee Jae Yong (Lee Jay Yong) - thường được gọi là 'thái tử Samsung' được kì vọng sẽ là người tiếp bước đảm nhiệm vai trò đứng đầu đế chế công nghệ Samsung.
Dù vậy, theo Bloomberg, ông Jay Yong có lẽ sẽ phải đợi thêm một thời gian dài mới có thể chính thức nắm giữ vai trò Chủ tịch tập đoàn Samsung. Nguyên nhân là bởi ông Lee Jae Yong - Phó chủ tịch Samsung Electronics đang phải đối mặt với 2 cáo buộc về tội hối lộ và gian lận kế toán. Dù cho ông Lee vẫn phủ nhận các cáo buộc, ông vẫn có thể ngồi tù nếu bị kết tội.
Trước tình hình này, theo giới chuyên gia, Samsung có thể sẽ trì hoãn việc bổ nhiệm vị trí Chủ tịch cho ông Lee ít nhất cho đến khi phiên tòa xét xử đầu tiên kết thúc. Samsung có lẽ sẽ chấp nhận viễn cảnh vận hành mà không có chủ tịch trong vài tháng tới đây, để tránh cảnh tân chủ tịch vừa được bổ nhiệm đã phải đi tù. Ở thời điểm hiện tại, Samsung Electronics vẫn có thể hoạt động bình thường với một đội ngũ giám đốc kỳ cựu, kinh nghiệm đang điều hành các mảng kinh doanh chủ chốt.
Nhà phân tích của HI Investment & Securities Lee Sang Hun nhận định: "Có thể Lee sẽ được thăng chức đầu năm tới. Ông ấy có thể cũng đợi đến khi vụ án hối lộ hoàn tất". Trước vấn đề này, Samsung từ chối bình luận thêm và cũng không tiết lộ ai sẽ là người đảm nhiệm vị trí Chủ tịch cũng như thời gian bổ nhiệm.
Tại Hàn Quốc, các chuyên gia cho rằng đây là một thời điểm khá nhạy cảm cho việc chuyển giao quyền lực trước sự bất mãn của một bộ phận công chúng. Những người này nhắm vào các tập đoàn 'chaebol' tại Hàn Quốc - tức những tập đoàn kinh tế quyền lực với phản ứng dữ dội. Những cáo buộc về tội hối lộ và gian lận nhắm vào ông Lee cũng không làm tình hình khá hơn.
Bên cạnh đó, việc kế nghiệp của ông Lee cũng phức tạp hơn bởi số tiền thuế thừa kế khổng lồ mà gia đình sẽ phải trả. Ông Lee được cho là đang sở hữu khối tài sản lên tới 20,7 tỷ USD, đồng nghĩa với việc gia đình này sẽ phải trả tới 10 tỷ USD tiền thuế, theo Bloomberg Billionaires Index. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng gia đình ông Lee có thể nộp thuế trong vòng 5 năm bằng tiền mặt thay vì bán cổ phiếu để có thể tiếp tục duy trì việc kiểm soát và sở hữu tập đoàn.
Theo các nhà phân tích, hiện Samsung không có nhiều lựa chọn thay thế cho vị trí chủ tịch. Kể từ khi cố chủ tịch Lee Kun Hee nhập viện vào năm 2014, ông Lee Jae Yong đã trở thành bộ mặt mới của Tập đoàn Samsung. Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm một người trong đội ngũ giám đốc điều hành của Samsung lâm thời có thể khiến quy trình trở nên phức tạp hơn khi có thêm một tầng quản lý. Giáo sư Chang Sea Jin, Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định: "Tôi nghĩ Lee nên làm chủ tịch ngay. Dù gì trong hoàn cảnh nào, ông ấy cũng phải ra quyết định".
Ông Chang cũng nhận định, hiện Samsung không đủ khả năng để chống chọi với sự xáo trộn. Tập đoàn Hàn Quốc này đang phải đối mặt với nhiều cạnh tranh, thách thức từ đối thủ lâu năm Apple và sự xuất hiện của các hãng smartphone Trung Quốc. Bên cạnh đó, Samsung cũng đang gặp khó khăn về giá chip nhớ và phát triển công nghệ 5G cũng như ngành công nghiệp bán dẫn. Chang cho rằng: "Lee nên trở thành một chủ tịch khác so với cha mình", bởi hiện tại Samsung đang có một đội ngũ quản lý dày dặn kinh nghiệm hơn xưa.
Dù vậy, các rắc rối pháp lý của 'Thái tử Samsung' có thể sẽ kéo dài nhiều năm trước khi kết thúc. Phiên tòa xét xử lại những cám buộc hối lộ, tham nhũng sẽ diễn ra trong năm nay, và những vụ xét xử liên quan đến gian lận kế toán sẽ được xử vào tháng 1 năm sau. Trước đó, ông Lee Kun Hee đã từng bị kết án 2 lần và được ân xá cả 2 lần, theo VnExpress.
Linh Chi