Vượt khó hoàn thành sứ mệnh cứu nạn trên biển

08:44 | 28/01/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Với hơn 20 năm làm điểm tựa cho ngư dân, là người bạn đồng hành giúp ngư dân và những người mưu sinh bám biển vượt qua những sự cố, những tai nạn thảm khốc trên biển, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam nhận được đánh giá cao từ Chính phủ, các cơ quan ban ngành và sự ủng hộ của nhân dân.

Để hiểu hơn về công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, phóng viên Tạp chí Doanh nhân Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Vũ Việt Hùng, Phó Giám đốc  Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC).

Thưa ông trong 21 năm qua Vietnam MRCC đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của những ngư dân, những thuyền viên trên biển. Ông có thể cho biết những thành tích mà trung tâm đã đạt được?

Ông Vũ Việt Hùng: Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam là đơn vị sự nghiệp của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ nhân đạo tổ chức, chỉ huy, điều hành, triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển trách nhiệm của Việt Nam. Trung bình mỗi năm, Trung tâm thu nhận và xử lý từ 500 đến 600 vụ việc tìm kiếm cứu nạn, trong đó trực tiếp cứu và hỗ trợ hàng nghìn người bị nạn trên biển, thực hiện hàng trăm lượt tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng xuất kích đi cứu nạn tại các vùng biển xa, vùng biển các đảo, quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Cụ thể, Tổng số vụ báo nạn thu nhận được 556 vụ. Số vụ điều động tàu tìm kiếm cứu nạn hoạt động TKCN trên biển: 73 vụ (77 lượt tàu tham gia cứu nạn). Số người được cứu và hỗ trợ: 1.025. Số phương tiện được cứu và trợ giúp: 83 tàu. Số vụ việc thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và lân cận là 51 vụ việc. Trong đó có 08 lượt điều động tàu tham gia trực tiếp cứu nạn 85 người. Thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn đối với 27 công dân nước ngoài. Trực tiếp hỗ trợ 35 tàu cùng 219 người trú tránh bão và áp thấp nhiệt đới an toàn.

Bên cạnh nhiệm vụ tìm kiếm, cứu người bị nạn trên biển, Trung tâm còn được giao thêm một số nhiệm vụ như tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển, phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Vượt khó hoàn thành sứ mệnh cứu nạn trên biển - ảnh 1
Tàu tim kiếm cứu nạn SAR 41.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, đâu là những khó khăn mà trung tâm đã gặp phải trong thời gian qua thưa ông?
Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3260 km với trên 1 triệu km2 mặt biển. Trong những năm gần đây, tình hình tai nạn sự cố diễn ra trên các vùng biển trách nhiệm của Việt Nam hết sức phức tạp, ngày càng có chiều hướng gia tăng do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Với số lượng tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng gồm 07 chiếc, trên 300 cán bộ nhân viên trực tiếp làm công tác cứu nạn trên biển, việc thực hiện nhiệm vụ thực sự hết sức khó khăn do lực lượng tương đối mỏng.

Trong khi đó, đặc thù của hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển là tai nạn sự cố thường hay xảy ra trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giông bão khi các tàu thuyền hoạt động trên biển được kêu gọi về bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn thì tàu cứu nạn phải ra khơi làm nhiệm vụ. Trong điều kiện thiếu thốn về trang thiết bị, sự hạn chế về điều kiện kỹ thuật của tàu cứu nạn, đây thực sự là điều nguy hiểm, thách thức về tinh thần và thử thách về lòng dũng cảm của các chiến sĩ cứu nạn.

Bên cạnh đó, mùa mưa bão có thể kéo dài đến trên 6 tháng, tiếp đến là các đợt gió mùa Đông Bắc, gió mùa Tây Nam kéo dài, cường độ gió thường đạt cấp 6-7 khiến lực lượng trực ban, trực chỉ huy, thuyền viên các tàu tìm kiếm cứu nạn luôn đặt trong tình trạng báo động, căng thẳng. Cán bộ, nhân viên cứu nạn thường xuyên phải xa nhà, thực hiện hoạt động cứu nạn trong các ngày lễ tết, làm việc liên tục trên biển hàng tuần trong điều kiện sóng to, gió lớn, bữa ăn, giấc ngủ thường xuyên không trọn vẹn, kể cả lúc nghỉ ngơi với gia đình cũng phải luôn sẵn sàng ra biển cứu nạn.

Tuy nhiên, trong hơn 21 năm qua, lực lượng cứu nạn hàng hải quyết tâm chiến đấu không mệt mỏi với sự dữ dội của biển khơi, thực hiện hết tất cả trách nhiệm của mình đối với người bị nạn trên biển, đảm bảo sự an toàn, bình yên của cuộc sống người dân trên biển.

Vượt khó hoàn thành sứ mệnh cứu nạn trên biển - ảnh 2
Huấn luyện với xuồng cứu nạn.
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết cũng như sự hạn chế của các phương tiện kỹ thuật, trung tâm đã có những phương án, biện pháp nào khắc phục khó khăn để hỗ trợ ngư dân?
Để có thể bao quát được một phần khu vực trách nhiệm được giao Trung tâm đã phải điều động các tàu cứu nạn thường xuyên cơ động thường trực tại các khu vực ven biển và một số đảo có nguy cơ cao xảy ra tai nạn sự cố theo từng giai đoạn nhất định. Với số lượng tai nạn sự cố xảy ra dày đặc như đã nêu trên, tính bình quân mỗi ngày Trung tâm phải xử lý từ 1 đến 2 vụ cứu nạn, đặc biệt trong những đợt bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa tăng cường, có những thời điểm cùng lúc xảy ra hàng chục vụ cứu nạn, hệ thống trực ban 24/24 làm việc liên tục, các đội cứu nạn căng hết sức mình để xử lý, đảm bảo không để xảy ra bất cứ sai sót nào nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Song song với công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân là đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa và ứng phó với tai nạn, sự cố của người dân, qua đó nhằm giảm thiểu các thiệt hại do tai nạn, sự cố gây ra trên biển.
Trung bình mỗi năm, Trung tâm tổ chức từ 20-25 đợt tuyên truyền, tập huấn cho người dân với nhiều hình thức, từ hình thức tuyên truyền tập trung đến việc đến từng phương tiện, từng gia đình, tổ, đội để trực tiếp tuyên truyền, tập huấn. Hoạt động tuyên truyền được người dân hết sức hoan nghênh, các địa phương tha thiết yêu cầu, nhưng với lực lượng tuyên truyền viên còn mỏng, trang bị thiếu thốn, nguồn kinh phí hạn hẹp, dù đã cố gắng với trên 100% khả năng hiện có, nhu cầu thực tế của người dân vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ
Lực lượng cứu nạn hàng hải luôn hành động với phương châm “Tính mạng con người là trên hết”, “Tàu là nhà, biển cả là quê hương”. Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cán bộ, nhân viên Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam quyết tâm phấn đấu, hy sinh vì người dân, vì sự nghiệp nhân đạo cao cả - cứu người gặp nạn trên biển.
Xin chân thành cảm ơn ông!