WB hỗ trợ 12 tỉ USD cho các nước đang phát triển ứng phó COVID-19

20:40 | 14/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt khoản tài chính mới 12 tỷ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển mua và phân phối vắc-xin ngừa COVID-19, cũng như xét nghiệm và điều trị dịch bệnh này.
Ngân Hàng Thế giới (WB) ngày 13/10 thông báo ban điều hành đã phê duyệt khoản tài chính mới với trị giá 12 tỷ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển mua và phân phối vắc-xin ngừa COVID-19, cũng như tiến hành xét nghiệm và điều trị dịch bệnh này.
 
Mục tiêu của gói hỗ trợ này là nhằm cung cấp hành động nhanh chóng, hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo hiện đang phải "oằn mình" để chống chọi với sự lây lan của dịch COVID-19.
 
Kế hoạch tài trợ trên, là một phần trong nguồn tài chính 160 tỷ USD mà tổ chức cho vay phát triển đa phương này đã cam kết cung cấp cho các nước đang phát triển đến tháng 6/2021, nhằm giúp các nước chống đại dịch COVID-19, được hãng Reuters đưa tin lần đầu vào cuối tháng Chín vừa qua.
 
WB cho rằng chương trình hỗ trợ tài chính trên sẽ bao gồm cả hỗ trợ kỹ thuật cho các nước tiếp nhận, để họ có thể chuẩn bị cho việc triển khai tiêm vắc-xin. Khoản hỗ trợ tài chính mới này sẽ phát đi tín hiệu cho các công ty dược phẩm rằng các nước đang phát triển có nhu cầu lớn và nguồn tài chính dồi dào để mua vắc-xin ngừa COVID-19.
 
WB hỗ trợ 12 tỉ USD cho các nước đang phát triển ứng phó COVID-19 - ảnh 1
 
Gói tài trợ này giúp ra tín hiệu cho ngành nghiên cứu và dược phẩm rằng, công dân ở các nước đang phát triển cũng cần tiếp cận vaccine covid-19 an toàn và hiệu quả" - thông cáo của WB nêu rõ. Tiếp cận với vaccine an toàn và hiệu quả "và hệ thống phân phối được củng cố là chìa khóa để thay đổi diễn tiến của đại dịch cũng như giúp các quốc gia đang trải qua các tác động kinh tế và tài chính thảm khốc tiến tới phục hồi nhanh chóng", Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass chia sẻ.
 
Thông qua gói hỗ trợ khẩn cấp với thủ tục rút gọn này, Nhóm Ngân hàng Thế giới mong muốn hỗ trợ các nước đang phát triển cải thiện hệ thống y tế, bao gồm nâng cao khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế để bảo vệ người dân trước dịch bệnh, tăng cường giám sát dịch bệnh, đẩy mạnh các biện pháp can thiệp y tế cộng đồng, phối hợp với khu vực tư nhân giảm bớt tác động đến nền kinh tế. Gói tài chính với nguồn lực tổng hợp từ IDA, IBRD và IFC sẽ được triển khai trên phạm vi toàn cầu nhằm hỗ trợ các chương trình thích ứng phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia.
 
Gói hỗ trợ COVID-19 sẽ cung cấp nguồn lực ban đầu lên tới 12 tỷ USD, trong đó có 8 tỷ USD mới được bổ sung và thực hiện theo cơ chế thủ tục rút gọn. Gói này bao gồm 2,7 tỷ USD nguồn tài chính mới từ IBRD, 1,3 tỷ USD tài trợ mới từ IDA và 2 tỷ USD tái cơ cấu danh mục đầu tư hiện có, cộng thêm 6 tỷ USD từ IFC, trong đó bao gồm 2 tỷ USD tái cơ cấu từ các chương trình hỗ trợ thương mại hiện có. Gói hỗ trợ sẽ bao gồm các chương trình tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật dựa trên kiến ​​thức toàn cầu và chia sẻ kinh nghiệm tầm quốc gia.
 
Chương trình có nhiều biện pháp can thiệp nhằm cải thiện dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu, theo dõi và báo cáo tình hình bệnh dịch, nâng cao năng lực nhân viên y tế tuyến đầu, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng nhằm củng cố niềm tin của công chúng, hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân nghèo. Bên cạnh đó, WB cũng tư vấn chính sách và kỹ thuật nhằm giúp các quốc gia tiếp cận kinh nghiệm toàn cầu.
 
Còn IFC sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại mở rộng hoạt động tài chính thương mại và dòng vốn lưu động. IFC cũng sẽ trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trọng yếu như thiết bị y tế và dược phẩm, nhằm duy trì chuỗi cung ứng và hạn chế rủi ro xấu. Những giải pháp này sẽ dựa trên bài học rút ra từ các dịch bệnh trước đây với mục tiêu giảm thiểu tác động kinh tế xã hội tiêu cực của COVID-19 trên toàn cầu.
 
Mỗi quốc gia, tùy theo mức độ rủi ro và nguy cơ trước dịch bệnh COVID-19, sẽ cần mức độ hỗ trợ khác nhau. Ưu tiên của Nhóm Ngân hàng Thế giới là các quốc gia nghèo nhất và những quốc gia rủi ro cao nhưng năng lực đối phó còn thấp. COVID-19 vẫn đang tiếp tục lan rộng và các tác động của nó vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Do đó Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục điều chỉnh phương thức tiếp cận và nguồn lực của mình nếu cần thiết. Nhóm Ngân hàng Thế giới đã và đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các quốc gia nhằm điều phối các biện pháp đối phó trên phạm vi toàn cầu.
 
 
Nguyễn Dung