Hơn 11 tỷ USD từ WB sẽ 'rót' vào những dự án nào tại Việt Nam?

Đông Bắc 14:27 | 29/05/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
World Bank (WB) sẽ 'rót' hơn 11 tỷ USD vào loạt dự án trọng điểm tại Việt Nam. Trong số các dự án sẽ được nhận khoản vay này như dự án đường sắt đô thị từ trung tâm Hà Nội tới Hòa Lạc, đường sắt tốc độ cao TP. HCM - Cần Thơ...

 WB sẽ 'rót' hơn 11 tỷ USD vào loạt dự án trọng điểm tại Việt Nam

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) đang thăm, làm việc tại Việt Nam và bà Mariam J. Sherman - người vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Quốc gia mới của WB tại khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia từ ngày 1/5/2024 với trụ sở chính tại Hà Nội.

Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng vui mừng trước quan hệ Việt Nam - WB ngày càng tốt đẹp hơn, bày tỏ trân trọng sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của WB với Việt Nam những năm qua với tổng nguồn vốn khoảng 25 tỷ USD.

 

  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank). Ảnh VGP.

Theo Thủ tướng, Việt Nam luôn coi trọng và chủ trương thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác Việt Nam - WB; mong muốn WB tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam triển khai các chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức...

Bên cạnh đó, Thủ tướng mong WB trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, công nghệ, xây dựng thể chế, nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nhân lực, tư vấn chính sách... nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.

Hoan nghênh đề xuất của WB về việc cho Việt Nam vay khoảng hơn 11 tỷ USD trong 5 năm tới, Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục rà soát, đổi mới tư duy, cách làm, tái cơ cấu quản trị trong triển khai các dự án, do một Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo, kiểm soát tiến độ dự án hàng tháng, hàng quý để hoàn thành dứt điểm, tránh kéo dài, mang lại sản phẩm cụ thể, hiệu quả cao.

Cùng với đó, nguồn vốn này cần tập trung cho một số dự án lớn trong một số lĩnh vực trọng điểm như chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long; các dự án hạ tầng quy mô lớn, bền vững, có tác dụng lan tỏa, kết nối liên vùng, mở rộng không gian phát triển và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, như dự án đường sắt đô thị từ trung tâm Hà Nội tới Hòa Lạc, đường sắt tốc độ cao TP  HCM - Cần Thơ; các dự án năng lượng sạch.

Theo Thủ tướng, việc tập trung nguồn vốn cho một số dự án lớn mang tính chất chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế sẽ vừa giúp phát huy cao nhất hiệu quả nguồn vốn, vừa giúp không mất nhiều thời gian để thực hiện các quy trình, thủ tục.

Thủ tướng cũng cảm ơn WB đã hỗ trợ Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp (FCPF) của WB, mong muốn WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu; triển khai hiệu quả dự án "Tăng cường hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo" (REACH)…

Cũng tại cuộc gặp, hai bên thống nhất phối hợp xây dựng Khung đối tác quốc gia Việt Nam - WB giai đoạn 2025-2029, xác định định hướng hợp tác giữa hai bên trong giai đoạn tới, nhất là khả năng huy động và nguồn lực hỗ trợ của WB đối với danh mục tài trợ cho Việt Nam; sớm thống nhất nội dung Khung đối tác quốc gia trình lãnh đạo hai bên thông qua.

Phó Chủ tịch WB Manuela V. Ferro bày tỏ tin tưởng mạnh mẽ vào cơ hội hợp tác với Việt Nam và các nước trong khu vực thời gian tới, mang lại lợi ích thiết thực cho các bên; đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các dự án hợp tác với WB thời gian qua.

WB dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 5,5% vào năm 2024

Cuối tháng 4 vừa qua tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức họp báo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam qua Ấn bản tháng 4 năm 2024, với tiêu đề “Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Báo cáo kỳ này của WB cũng ghi nhận, kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau và dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6% vào năm 2025.

Tại buổi họp báo, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam phân tích, dự báo trên được đưa ra dựa vào giả định xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế tạo sẽ phục hồi khá trong năm 2024, nhờ tăng trưởng phục hồi ở mức 8,5% so cùng kỳ năm trước vào quý IV năm 2023 và tăng 17,2% so cùng kỳ năm trước vào quý I năm 2024, đồng thời nhu cầu trên toàn cầu cũng đang dần được cải thiện.

Xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế tạo đang và dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi trong hai năm tới, dựa trên dự báo tăng trưởng nhẹ và nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc. Thị trường bất động sản được dự báo sẽ xoay chuyển theo hướng đi lên vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025 khi tình trạng đóng băng của thị trường trái phiếu được nới lỏng và Luật Đất đai được ban hành vào tháng 1/2024 có hiệu lực từ tháng 1/2025.

Khi xuất khẩu và thị trường bất động sản dần phục hồi, nhu cầu trong nước dự kiến sẽ cải thiện từ nửa cuối năm 2024 do các nhà đầu tư và người tiêu dùng lấy lại lòng tin, với dự kiến tổng đầu tư và tiêu dùng tư nhân dự kiến sẽ tăng tương ứng 5,5% và 5%.

Lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ từ mức bình quân 3,2% năm 2023 lên 3,5% vào năm 2024. Dự báo trên phản ánh dự kiến tăng giá các mặt hàng và dịch vụ do Nhà nước quản lý, như giáo dục và y tế, tương ứng đóng góp 6,17% và 5,4% cho trọng số giỏ hàng hóa tính CPI. Mặt khác, cho dù xung đột tại Ukraine và Trung Đông vẫn tiếp diễn, giá dầu và nguyên liệu được cho là sẽ giảm nhẹ trong năm 2024. Lạm phát CPI sẽ chững lại còn 3% trong năm 2025 và 2026, dựa trên kỳ vọng giá năng lượng và nguyên liệu sẽ ổn đinh...