WHO cảnh báo: Thế giới đã bước vào làn sóng lây nhiễm và chết chóc mới

06:14 | 23/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vừa qua Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo thế giới đang bước vào giai đoạn đầu của một làn sóng dịch mới.

Báo Dân Trí cho biết phát biểu tại cuộc họp với các thành viên Ủy ban Olympics Quốc tế ở Tokyo ngày 21/7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "19 tháng kể từ khi Covid-19 bùng phát và khoảng 7 tháng kể từ khi vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt, chúng ta đang bước vào giai đoạn đầu của một làn sóng lây nhiễm và chết chóc mới".

Trước đó, người đứng đầu WHO nhiều lần cảnh báo, thế giới đã bước vào làn sóng Covid-19 mới và nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của biến chủng Delta. Delta là biến chủng của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ. Đây là một trong 4 biến chủng mà WHO xếp vào nhóm "đáng lo ngại" do dễ lây lan hơn và làm tăng nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân Covid-19, giảm hiệu quả của vắc xin. Theo thống kê của WHO, Delta hiện đã lan ra ít nhất 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và sẽ tiếp tục là biến chủng trội toàn cầu trong vài tháng tới.

WHO cảnh báo: Thế giới đã bước vào làn sóng lây nhiễm và chết chóc mới - ảnh 1

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh

"Đến nay, hơn 4 triệu người đã chết vì Covid-19, đại dịch sẽ còn lấy đi sinh mạng của nhiều người nữa. Số ca tử vong từ đầu năm đến nay đã gấp hơn 2 lần so với cả năm ngoái. Lúc này đây khi tôi đưa ra những phát biểu, thế giới có thêm hơn 100 người chết vì Covid-19. Đến khi tắt ngọn đuốc Olympics vào ngày 8/8 tới, hơn 100.000 người nữa sẽ chết", ông Tedros nói.

Tại cuộc họp, ông Tedros bày tỏ quan ngại về tình trạng "bất công khủng khiếp" trong việc phân phối nguồn cung vắc xin Covid-19 toàn cầu. Ông cho biết, khoảng 75% vắc xin trên thế giới tập trung vào khoảng 10 quốc gia, và mới chỉ 1% người dân ở các nước thu nhập thấp, trung bình được tiêm chủng ít nhất một liều, trong khi tỷ lệ này ở các nước giàu có là hơn 50%.

Theo Zing News trước đó, tổng giám đốc WHO nhận xét các quốc gia có đủ nguồn cung vaccine đang nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, trong khi nhiều quốc gia khác vẫn đang chật vật nhằm kiểm soát sự lây lan của virus corona.

Ngoài ra, việc triển khai không đồng bộ các biện pháp y tế công, như xét nghiệm, tiêm vaccine hay điều trị, đang thúc đẩy một “đại dịch hai chiều”.

Từ đó, ông Ghebreyesus nhận định sự khác biệt về nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 đang ám chỉ một “sự bất công kinh hoàng” trên thế giới. Ông nói: “Đây không chỉ là sự khủng hoảng về mặt đạo đức, mà còn là viễn cảnh tự đánh bại về mặt dịch tễ học và kinh tế”.

Người đứng đầu WHO nhận định đại dịch càng kéo dài thì càng có nhiều hiện tượng bất ổn về kinh tế xã hội. “Đại dịch là một bài kiểm tra và thế giới đang thất bại”, ông cho biết.

Tính đến ngày 22/7, thế giới ghi nhận tổng cộng 192,8 triệu ca mắc và 4,1 triệu ca tử vong vì Covid-19, theo Worldometers. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh và kế hoạch tiêm chủng bị đình trệ.

 Nguyễn Triệu

Xem thêm: Biến thể Delta đã được ghi nhận tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới

ĐỌC NHIỀU