WHO khuyến khích các nước thuyết phục người dân tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thay vì ép buộc
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích chính phủ các nước thuyết phục người dân hiểu giá trị và lợi ích tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 thay vì ép buộc bởi có thể phản tác dụng.
Theo SCMP, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/12 đã khuyến khích các nước nên vận động, tuyên truyền người dân hiểu được giá trị và lợi ích của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 thay vì ép buộc mọi người phải thực hiện.
Mục đích của việc này là để chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được tiến hành hiệu quả, tuy nhiên việc này vẫn tùy thuộc vào điều kiện mỗi quốc gia để có chiến dịch tiêm chủng phù hợp.
Liên quan đến vấn đề này, WHO cũng khẳng định, việc ép buộc có thể là cách làm sai lầm, dẫn đến việc phản tác dụng. Cụ thể, giám đốc Bộ phận Tiêm chủng của WHO là Kate O’Brien phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến cho biết: "Tôi không nghĩ sự ép buộc là hướng đi đúng đặc biệt với những loại vaccine như thế này. Tốt hơn hết là chúng ta nên khuyến khích và hỗ trợ người dân tiêm chủng mà không cần điều kiện gì".
Tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 tại Detroit, bang Michigan, Mỹ. (Ảnh: AFP)
tuy nhiên, bà O’Brien cũng nhấn mạnh, một số ngành nghề trong bệnh viện có thể được yêu cầu tiêm vaccine để đảm bảo cho sự an toàn của cả nhân viên và bệnh nhân.
Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho rằng, việc thuyết phục người dân tin tưởng vào việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 là điều cần thiết. Việc này có thể thông qua hành động cung cấp các dữ liệu cũng như thông tin về lợi ích của vaccine và để người dân tự quyết định. Nhưng trong một số trường hợp, việc tiêm chủng là trách nhiệm bắt buộc.
Các chuyên gia của WHO thừa nhận, việc thuyết phục toàn bộ người dân tự nguyện tiêm vaccine là điều rất khó. Hiện tại, có khoảng 51 vaccine COVID-19 đang được thử nghiệm trên người trong đó 13 vaccine đã đi đến giai đoạn thử nghiệm quy mô lớn. Ngoài ra, khoảng 163 vaccine đang được nghiên cứu cũng như phát triển trong các phòng thí nghiệm.
Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, cần ưu tiên việc kêu gọi những nhóm có nguy cơ cao tiêm phòng ngừa COVID-19 để giảm áp lực cho các hệ thống y tế.
Bên cạnh đó, Cơ chế ACT-Accelerator nhằm phân phối vắcxin, phương tiện điều trị và xét nghiệm công bằng tại các quốc gia đang thiếu 4,3 tỷ USD vốn hoạt động khẩn cấp và gần 24 tỷ USD trong năm tới, nên WHO cũng đang kêu gọi nhà tài trợ.
Xem thêm: Tiết lộ bất ngờ mức giá dự kiến vắc xin COVID-19 của Việt Nam, chỉ tương đương giá vắc xin thế giới
Tiểu Long