WTO kỳ vọng sớm đạt được thỏa thuận về trợ cấp nghề cá
164 thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã bắt đầu một tháng đàm phán trong tuần này tại trụ sở của tổ chức thương mại toàn cầu này ở Geneva, Thụy Sỹ.
Trả lời phỏng vấn báo giới, Đại sứ Gunnarsson nói rằng ông ngày càng có cảm giác lạc quan rằng có thể thực hiện được mục tiêu là kết thúc các cuộc đàm phán này tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13, diễn ra từ ngày 26-29/2 tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE).
Ông cũng cho biết các nước đã đồng ý đàm phán trên cơ sở văn bản dự thảo mà ông đưa ra hồi tháng 12/2023. Văn bản dự thảo này nhằm giúp các thành viên đạt được thỏa thuận về cái gọi là "văn bản sơ bộ" để trình lên các bộ trưởng ở Abu Dhabi.
Văn bản này liệt kê danh sách các khoản trợ cấp góp phần gây ra tình trạng dư thừa công suất hay đánh bắt quá mức, chẳng hạn như viện trợ đóng tàu, cũng như các tiêu chí yêu cầu các quốc gia chứng minh rằng các biện pháp được thực hiện để thúc đẩy trữ lượng cá bền vững.
Dự thảo cũng bao gồm cách tiếp cận hai cấp, theo đó các nhà cung cấp trợ cấp lớn nhất sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn.
Trong khi đó, các nước kém phát triển nhất và các nước đang phát triển có thị phần đánh bắt cá toàn cầu không vượt 0,8% sẽ không phải chịu các lệnh cấm và hạn chế tương tự.
Tại hội nghị bộ trưởng trước đây của WTO tại trụ sở Geneva trong tháng 6/2022, các nước đã đạt được thỏa thuận đầu tiên về trợ cấp đánh bắt cá.
Thỏa thuận này cấm các khoản trợ cấp cho hoạt động đánh bắt cá trái phép, không được báo cáo hoặc không được kiểm soát, hoặc trữ lượng bị đánh bắt quá mức, nhưng nó không ngăn cản việc cấm các khoản trợ cấp góp phần gây ra tình trạng đánh bắt quá mức ở phạm vi rộng hơn.
Thỏa thuận này cũng cấm trợ cấp cho việc đánh bắt cá ở những vùng biển xa không được kiểm soát. Tuy nhiên, một số câu hỏi vẫn chưa được giải quyết.
Để thỏa thuận năm 2022 được thực thi, khoảng 70% trong số 164 thành viên của WTO phải nộp “văn bản chấp nhận” cho tổ chức này.
Cho đến nay, 55 thành viên đã nộp văn bản nêu trên, trong đó có Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Mỹ, Canada, Australia và Chile.