Xác minh giao dịch lan đột biến Hồng Bồng Lai giá 1,65 tỷ đồng, chủ vườn nói gì?

11:21 | 31/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh giao dịch lan đột biến Hồng Bồng Lai giá 1,65 tỷ đồng gây xôn xao ở Nghệ An. Chủ vườn cho biết việc mua bán rõ ràng không có gian dối.
Ngày 30/3, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip một cuộc mua bán lan đột biến giữa ông Trần Đình Luật (trú xã Mã Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) với một cá nhân ở huyện Yên Thủy (Hòa Bình). Được biết, sản phẩm được mua bán là cây lan Hồng Bồng Lai dài 7 cm, có giá trị 1,65 tỷ đồng.
 
Anh Trần Đình Luật (trú xã Mã Thành, huyện Yên Thành), chính là chủ vườn bán cây lan đột biến Hồng Bồng Lai giá trị bạc tỷ nói trên. Được biết anh Luật là người chơi lan nhiều năm.
 
Chủ vườn nói gì về lan đột biến Hồng Bồng Lai giá 1,65 tỷ
 
“Việc mua bán rất rõ ràng, không ai lừa dối để làm gì. Cây lan cũng là sản phẩm nông sản tôi trồng được nên khi ai có nhu cầu thì bán lại. Còn việc nộp thuế sau khi bán lan cũng chưa có quy định cụ thể nào”, chủ vườn nói. Sau giao dịch, chủ vườn cho biết đã làm việc với cơ quan công an và Chi cục thuế huyện Yên Thành.
 
Ông Trần Đình Cảnh, Chủ tịch UBND xã Mã Thành (huyện Yên Thành), cho biết cuộc giao dịch lan đột biến trên diễn ra khoảng một tháng trước. Cơ quan thuế và công an địa phương đã đến nhà chủ vườn để xác minh có sự việc bán hoa lan như trong clip hay không.
 
Chi cục Thuế khu vực Bắc Nghệ II (thuộc Cục thuế tỉnh Nghệ An) cũng cho biết đơn vị này đã đến nhà anh Luật kiểm tra và lập biên bản việc bán lan đột biến. Còn việc truy thu thuế thu nhập thế nào sẽ theo quy định cụ thể.
 
Trước đó, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi Cục Thuế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc truy thu thuế đối với giao dịch lan đột biến gây xôn xao dư luận thời gian qua.
 
Chủ vườn nói gì về lan đột biến Hồng Bồng Lai giá 1,65 tỷ
 
Theo đó, về chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT), nếu trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, tổ chức tự trồng và bán ra; hoặc do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế VAT.
 
Trường hợp nếu lan đột biến do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác ở khâu kinh doanh thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế VAT theo mức thuế suất 5%.

Trong khi đó nếu do doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế VAT theo phương pháp tính trực tiếp trên VAT bán ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế VAT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.
 
Người giao dịch lan đột biến cũng phải nộp thuế thu nhập. Nếu tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ việc bán lan đột biến thì thuộc đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
 
Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh giao dịch mua bán lan đột biến thì thuộc diện điều chỉnh của thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân theo quy định về hoạt động kinh doanh với thuế suất thuế VAT 1% và thuế thu nhập cá nhân 0,5%.
 
Nếu hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng trọt) chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác thì trường hợp này không chịu thuế VAT.
 
 
Hà Ly