Xây dựng văn hóa DN là định vị với khách hàng và cộng đồng

17:28 | 17/11/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là nhận định của ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (DNTNVN), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam khi bàn về vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quang Huân, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Đó là xây dựng để doanh nghiệp định vị mình với khách hàng, cộng đồng. Khi các đối tác của doanh nghiệp là đối tác quốc tế, nếu xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt mà đối tác tưởng là văn hóa ở đâu trên thế giới thì đó là thất bại của doanh nghiệp.

Hiện nay, Đảng và Chính phủ rất quan tâm tới văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố căn bản giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, cần đưa ra một khái niệm thế nào là doanh nghiệp, với nội hàm đầy đủ để các doanh nghiệp hiểu rằng họ sẽ làm như thế nào, có làm được không để duy trì. Điều này rất quan trọng.

“Khái niệm văn hóa doanh nghiệp phải làm sao dễ hiểu cho doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cần có văn hóa đặc thù, tùy từng ngành sản xuất, môi trường làm việc và quan điểm của người lãnh đạo. Văn hóa riêng đó phải dựa trên triết lý kinh doanh của người đứng đầu doanh nghiệp và dựa trên giá trị cốt lõi. Mỗi doanh nghiệp nên xây dựng cho mình 3-4 giá trị cốt lõi để doanh nghiệp có thể xây dựng văn hóa của riêng mình. Khi có văn hóa doanh nghiệp, doanh nghiệp phải tuyên bố sứ mệnh, hình thành quy trình, quy chế và tốt hơn nữa là đưa ra bộ quy tắc ứng xử để thống nhất cách ứng xử với cộng đồng, với các đối tác hoặc đối với chính quyền để thành quy định chung cho toàn công ty từ cấp cao đến cấp thấp đều phải tuân thủ”, ông Huân nhấn mạnh.

Trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội DNTNVN, ông Huân cho rằng, tại Hội DNTNVN, trừ doanh nghiệp phát triển lâu đời và rất lớn, nhìn chung đều là các doanh nghiệp thành lập 10-20 năm gần đây. Thực tế cho thấy, những ngày đầu thành lập, ít có doanh nhân nghĩ sẽ thành lập văn hóa doanh nghiệp. Nhưng trong quá trình hoạt động, trong vòng 2-3 năm, nếu các doanh nghiệp không nhanh chóng nhận được sự cần thiết phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp để tạo chất kết dính thì sẽ rất khó để doanh nghiệp phát triển. Bởi các thành viên trong doanh nghiệp là rất khác nhau: Từ quản trị cho đến nhân viên, thậm chí nhân viên cấp thấp, giới tính khác nhau, trình độ khác nhau, văn hóa vùng miền khác nhau…, nếu không xây dựng môi trường văn hóa, doanh nghiệp khó có thể giúp họ xác định thế nào là đúng, rất khó có thể đạt được một mục tiêu.

Xây dựng văn hóa DN là định vị với khách hàng và cộng đồng - ảnh 1
Nguồn: Internet. 
Ông Huân chỉ rõ: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp đầu tiên phải do ý chí của người lãnh đạo ban đầu, nhưng thực hiện hay không là cả một tập thể. Cùng với đó, nhận thức của cán bộ nhân viên trong công ty phải đầy đủ, điều này đòi hỏi phải duy trì được văn hóa dân chủ trong doanh nghiệp.

Tuân thủ quy trình quy chế cũng là một loại văn hóa trong doanh nghiệp có tính cam kết cao. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp đề cao tính sáng tạo thì tuân thủ quá mức quy chế sẽ giết chết sáng tạo. Tùy đặc thù của doanh nghiệp mà xây dựng văn hóa là vì thế.

Một trong những cơ chế hữu hiệu là doanh nghiệp phải công bố văn hóa của mình ra cộng đồng, có đường dây nóng để chính đối tác, bạn hàng giám sát, có cơ chế kiểm soát để vận hành đúng mong muốn.

“Về khía cạnh xây dựng văn hóa, doanh nghiệp Việt thì phải có văn hóa đặc thù rất Việt Nam, rất Á Đông. Nếu đưa chuẩn mực quốc tế vào mà không xây dựng được văn hóa Á Đông thì việc xây dựng văn hóa sẽ thất bại. Bản thân các đối tác tới Việt Nam là họ tìm kiếm những yếu tố liên quan đến văn hóa Việt Nam, văn hóa châu Á, nếu không họ sẽ mang hết lực lượng của họ sang mà không cần phải hợp tác với địa phương của mình. Nếu anh là người Việt Nam mà không giúp được họ thì giá trị gia tăng trong hợp tác là không có. Nếu doanh nghiệp xây dựng văn hóa càng mạnh, càng sâu thì kinh doanh càng bền vững, càng có nhiều đối tác hơn”, ông Huân nói.

Liên quan đến văn hóa doanh nghiệp trong tương quan với hoạt động thiện nguyện nói riêng và trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp nói chung, ông Huân cho rằng: Chính phủ đang kêu gọi phong trào “không để ai bị bỏ lại phía sau” nên hoạt động vì cộng đồng của doanh nghiệp cần được xây dựng hướng tới xóa nhòa khoảng cách giữa miền xuôi, miền ngược. Tại vùng sâu, vùng xa biên giới hải đảo, hoạt động vì cộng đồng của doanh nghiệp phải góp phần nâng trình độ trí thức cho người dân để thu hẹp khoảng cách. Doanh nghiệp và doanh nhân “vừa giàu vừa sang” thì phải có trách nhiệm với cộng đồng.