Xe hơi lắp ráp có thể lại được ưu đãi thuế phí
Thông tin này có thể là tín hiệu tốt đối với thị trường ô tô trong nước vốn đang khá trầm lắng. Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), kết thúc tháng 1/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường chỉ đạt 17.314 xe, giảm 51% so với tháng 12/2022 và giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tổng số 17.314 xe đã bán được trong tháng 1/2023, doanh số của xe lắp ráp trong nước đạt 8.086 chiếc và xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.228 chiếc, lần lượt giảm 54% và 48%.
Hai ông lớn khác không thuộc VAMA cũng cho thấy lượng sụt giảm lớn. TC Motor (đơn vị lắp ráp và phân phối thương hiệu Hyundai) doanh số xe bán ra chỉ đạt 3.496 xe, giảm hơn 173% (6.049 xe) so với tháng 12/2022. Trong khi, VinFast cũng chỉ bán được 385 xe, giảm mạnh tới 3.920 xe so với tháng 12/2022.
Trước đó từ ngày 1/12/2021, Chính phủ đồng ý giảm lệ phí trước bạ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu hiện hành được quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP.
Từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022 mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ: các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tác động tích cực của chính sách này đã giúp khuyến khích mua sắm sở hữu tài sản, kích thích tiêu dùng, nối lại chuỗi cung ứng và thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Nếu được ưu đãi thuế phí trong thời gian tới đây có thể giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với những mẫu xe hơi sản xuất trong nước qua đó cũng giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm. Theo các chuyên gia trong ngành, chính sách này có thể đánh trúng nhiều 'đích' và cần được xem xét triển khai sớm.