Xuất khẩu gạo lần đầu vượt 5 tỷ USD, vì sao doanh nghiệp ngành vẫn chưa hết khó?
Xuất khẩu gạo lần đầu vượt 5 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu gạo 11 tháng đạt 5,31 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là sản lượng và giá trị lúa gạo xuất khẩu lần đầu tiên ngành nông nghiệp có được.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 46%. Indonesia và Malaysia là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,5% và 8,2%.
Xuất khẩu gạo Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD, chủ yếu nhờ giá tăng cao. Tính chung trong 3 quý đầu năm, giá gạo xuất khẩu bình quân 626 USD/tấn, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng với mức tăng 74 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao, ngoài ảnh hưởng từ giá gạo trên thế giới, còn đến từ việc thay đổi chủng loại gạo xuất khẩu. Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, Việt Nam đang dần tạo ra sự khác biệt trong sản xuất và xuất khẩu gạo so với các nước xuất khẩu khác, khi tập trung vào các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao, đồng thời giảm mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo phẩm cấp trung bình và thấp. Qua đó, ngành lúa gạo đã tạo ra một mặt bằng giá xuất khẩu riêng cho gạo Việt Nam.
Sự riêng biệt về giá của gạo Việt Nam đã nhiều lần được thể hiện khi đứng ở mức cao nhất trong những nước xuất khẩu hàng đầu và có nhiều thời điểm cao hơn đáng kể so với gạo cùng loại của Thái Lan.
Bối cảnh toàn ngành gạo khá tích cực nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp đi ngược xu hướng, thậm chí một số đơn vị có quy mô lớn trong ngành vẫn tiếp tục bị thu hẹp về quy mô và thua lỗ triền miên. Không những vậy, thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng xuống thấp, khi chỉ có giá vài nghìn đồng một cổ phiếu và thậm chí là bị hạn chế giao dịch.
Gạo Trung An lỗ hơn 30 tỷ đồng kể từ đầu năm
Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã: TAR) chưa giải được bài toán chi phí, khiến lợi nhuận bị ăn mòn và thua lỗ. Báo cáo quý III cho thấy doanh nghiệp lỗ tiếp 22 tỷ đồng và đã lỗ 30 tỷ kể từ đầu năm. Nguyên nhân do chi phí sản xuất và chi phí lãi vay đều cao hơn cùng kỳ.
Thị trường tiêu thụ chủ lực là trong nước (hơn 80% doanh số), song đây vẫn là số ít doanh nghiệp gạo Việt Nam thành công trong việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Châu Âu, Hàn Quốc, Singapore. Công ty có 4 nhà máy chế biến gạo tại tỉnh Cần Thơ.
Qua nhiều năm liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận, đạt đỉnh hơn trăm tỷ vào năm 2021, lợi nhuận của Trung An liên tiếp đi xuống, đặc biệt là năm 2023, do chịu sức ép thiếu hụt cung trên thị trường gạo quốc tế đã khiến biên lợi nhuận gộp liên tục thu nhỏ. Cộng thêm môi trường lãi suất cao khiến chi phí lãi vay tăng vọt 37%, khiến công ty báo lỗ gần 16 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đã tiếp tục tăng vay nợ tài chính với con số 1.676 tỷ đồng vào cuối quý III. Chi phí lãi vay phải trả kể từ đầu năm gần trăm tỷ đồng, là một trong những nguyên nhân chính khiến công ty gạo này thua lỗ.
Đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến vì không thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp liên quan đến chủ sở hữu 15 triệu cổ phiếu TAR trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, hay số liệu tồn kho năm 2022, 2023, bán niên 2024.
“Vua gạo” An Giang tiếp tục lỗ trăm tỷ
Tương tự, CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã: AGM) tiếp tục đối mặt với những thách thức chưa từng có. Kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 111 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 51 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm trước. Quý III cũng là quý thứ 4 thua lỗ liên tiếp và kéo số lỗ lũy kế tại lên 277 tỷ đồng.
Angimex từng là doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu tại Việt Nam. Giai đoạn 2017 - 2021, Angimex có quy mô doanh thu trên 2.000 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận sau thuế tăng từ mức 11 tỷ lên lên 45 tỷ đồng năm 2021.
Năm 2021 là năm “hoàng kim” của Angimex khi đạt doanh thu 3.931 tỷ đồng và có lãi sau thuế gần 45 tỷ đồng. Đây cũng là năm doanh nghiệp tăng cường vay nợ nhằm mở rộng hoạt động sản xuất, đưa quy mô tổng tài sản gấp đôi lên 1.856 tỷ đồng và nợ phải trả gấp 4 lần lên 1.373 tỷ đồng, trong đó hơn 1.000 tỷ đồng là vay ngắn hạn.
Tuy nhiên hoạt động kinh doanh đã xuống dốc từ năm 2022, do chịu hệ lụy từ khủng hoảng thượng tầng tại Louis Holdings, cũng như gánh nặng chi phí tài chính và chi phí hoạt động bủa vây. Doanh nghiệp chứng kiến lỗ nặng 233 tỷ đồng và sau đó lỗ thêm 220 tỷ năm 2023 dù đã có những nỗ lực bán tài sản để trả nợ.
Trong văn bản giải trình mới nhất, lãnh đạo Angimex cho biết công ty đang đôn đốc thu hồi nợ khó đòi, thanh lý tài sản và thoái vốn một số công ty con, tối ưu hàng tồn kho, hoạt động kinh doanh có hiệu quả song không đủ bù định phí khấu hao và chi phí tài chính.
Hoạt động huy động vốn vay ngân hàng vẫn khó khăn khiến số lượng kinh doanh ít. Công ty cũng chưa thể thực hiện được phương án huy động vốn nhà đầu tư thông qua chào bán riêng lẻ.
Lộc Trời và biến động bộ máy thượng tầng
Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) cũng là một trong những “ông lớn” của ngành gạo, doanh thu trung bình mỗi năm trên 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên doanh nghiệp nhanh chóng đánh mất vị thế sau giai đoạn thay ban điều hành, tiếp đó phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn về tài chính; bao gồm nợ nần chồng chất, lỗ ròng sau thuế, cùng với nhiều biến động trong bộ máy lãnh đạo.
Theo đó, vào ngày 15/7, công ty thông báo miễn nhiệm chức Tổng Giám đốc với ông Nguyễn Duy Thuận; đồng thời phải đến 16/10 mới bổ nhiệm ông Nguyễn Tấn Hoàng vào vị trí thay thế.
Trong bức tâm thư gửi cổ đông, Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Thòn cho rằng cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Thuận gây thất thoát tài sản và có hành vi gian dối. “Trong một trận đánh mà mình bị nội gián… vào sâu bên trong. Mình đã trao quyền dẫn dắt… nó dẫn mình vô cái bẫy phục kích của địch” ông viết.
Lãnh đạo Lộc Trời cũng gửi công văn tới UBND tỉnh An Giang yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn ông Nguyễn Duy Thuận xuất cảnh, cáo buộc ông có dấu hiệu vi phạm pháp luật và gây thất thoát tài sản của công ty.
Tình hình nhân sự cấp cao tiếp tục biến động khi thành viên HĐQT Sven Richard Bode từ nhiệm vào 23/8, sau chưa đầy 2 tháng tham gia. Hay thành viên Ban kiểm soát Nguyễn Thị Thuý cũng viết đơn từ chức.
Lộc Trời còn gặp khó khăn về dòng tiền do thu không đủ bù chi. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tiếp tục hơn 434 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái cũng đã âm 2.709 tỷ đồng. Lượng tiền mặt chỉ còn 1/5 so với đầu năm.
Về tình hình kinh doanh, năm 2023, công ty kiểm toán điều chỉnh báo cáo tài chính 2023 tự lập, kéo lợi nhuận sau thuế từ 247 tỷ đồng xuống còn 16 tỷ đồng, giảm đến 93% so với cùng kỳ 2022.
Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp mới chỉ công bố BCTC quý I, với kết quả lỗ ròng hơn 95 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh quý I, II vẫn là ẩn số. Việc chậm công bố BCTC này cũng đã khiến cổ phiếu LTG bị hạn chế giao dịch.
Điểm chung giữa các doanh nghiệp trên cũng như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo là đẩy mạnh vay nợ để tích trữ lúa gạo, nhưng do biên lợi nhuận mỏng, giá gạo khi bán nhiều khi không cao như giá thị trường vì hợp đồng được ký từ trước, trong khi giá thu mua của bà con nông dân lại điều chỉnh tăng, nên doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm, thậm chí thua lỗ.
Chia sẻ với phóng viên hồi tháng 8/2023 (thời điểm còn đương nhiệm Tổng Giám đốc Lộc Trời), ông Thuận khẳng định lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ không thể tăng lên trong bối cảnh giá gạo đầu vào cao. Bởi rất ít doanh nghiệp có vùng nguyên liệu, chủ yếu mua từ nông dân, mua cao - bán cao với hoàn cảnh bình thường thì sẽ lãi chênh lệch 1-2%, tuy nhiên trong thời điểm giá đầu vào cao thì hầu hết là lỗ nặng.
Các chuyên gia đều có chung nhận định, gạo là thị trường rất hẹp, biên độ lợi nhuận thấp nên doanh nghiệp thường chịu rủi ro cao. Giá gạo thường bị tác động bởi các yếu tố chính trị, khiến thị trường càng khó dự đoán. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin thị trường, có những đối sách cả về ngắn hạn và dài hạn để kịp thời ứng biến trước các biến động.