Xuất khẩu hàng hóa đầu năm 2021 tăng bất chấp dịch COVID-19

07:34 | 06/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù dịch COVID-19 nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa của cả nước 7 tháng qua vẫn duy trì được đà tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước (tháng 6 đạt 27,2 tỷ USD) và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 48,52 tỷ USD, tăng 14,6%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,81 tỷ USD, tăng 29,9%, chiếm 73,8%.

Trong 7 tháng qua, có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,87 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 164,89 tỷ USD, tăng 27,1%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 13,65 tỷ USD, tăng 16,7%. Nhóm hàng thủy sản đạt 4,92 tỷ USD, tăng 12%.

Xuất khẩu may mặc Việt Nam vươn lên đứng thứ 2 thế giới

Xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam và Bangladesh đều giảm trong năm 2020 do COVID-19, nhưng xuất khẩu của Bangladesh giảm với tốc độ nhanh hơn, về mức 28 tỷ USD. Thị phần của Bangladesh trên thị trường may mặc toàn cầu giảm còn 6,3% trong năm ngoái. Theo xếp hạng của WTO, Bangladesh là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới kể từ năm 2010.

Sản lượng hàng may mặc của Bangladesh giảm đáng kể trong đại dịch khi các nhà máy đóng cửa do nhiều thương hiệu phương Tây hủy đơn đặt hàng hoặc trì hoãn thanh toán. Ngoài ra, phần lớn nhà máy phải ngưng hoạt động trong thời gian dài để tuân thủ quy định phòng dịch.

Trên toàn cầu, Bangladesh là điểm xuất phát phổ biến của các mặt hàng sản xuất cấp thấp với mức giá rẻ. Trong khi đó, Việt Nam gần đây đã sản xuất nhiều hàng may mặc cao cấp với lực lượng lao động có trình độ học vấn. Tờ Dhaka Tribune của Bangladesh cho rằng, quốc gia Nam Á này phải đối mặt với thách thức lớn kể từ khi Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Ngoài ra, Việt Nam còn hưởng lợi từ các đơn đặt hàng được chuyển từ Trung Quốc trong giai đoạn đầu bùng phát dịch.

Xuất khẩu hàng hóa đầu năm 2021 tăng bất chấp dịch COVID-19 - ảnh 1

Doanh nghiệp nhành mặc mặc vẫn duy trì hoạt động nhờ áp dụng phương án "ba tại chỗ".

Giáo sư Mustafizur Rahman, thành viên của Trung tâm Đối thoại chính sách Bangladesh (CPD) cho rằng, tình hình kiểm soát COVID-19 tương đối tốt ở Việt Nam vào năm ngoái là một lợi thế. Bên cạnh đó, nội tại ngành may mặc của Bangladesh cũng bộc lộ nhiều điểm yếu khi bị Việt Nam vượt về năng suất lao động, năng suất vốn và đa dạng hóa sản phẩm.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đạt 18,6 tỷ USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Công Thương đánh giá, một số thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và châu Âu tăng nhu cầu mua sắm quần áo, giày dép khi kinh tế bắt đầu hồi phục, các lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ. Điều này tạo cơ hội cho dệt may cán đích mục tiêu 39 tỷ USD năm nay, con số tăng trưởng như trước khi Covid-19 xuất hiện.

Nhiều doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng đến cuối năm khi tổng cầu cho các sản phẩm ngành dệt may tại thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU đã tăng mạnh. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài đang trở thành gánh nặng cho mục tiêu tăng trưởng toàn ngành.

 Nông lâm thủy sản tăng 7 tháng đầu năm khó khăn

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với 7 tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 12,2 tỷ USD, tăng 15,1%; lâm sản chính đạt khoảng 10,2 tỷ USD, tăng 54,0%; thủy sản đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 12,0%; chăn nuôi ước đạt 254 triệu USD, tăng 16,0%. 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với 7 tháng đầu năm 2020, toàn ngành xuất siêu 3,9 tỷ USD. Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 dự kiến còn nhiều phức tạp ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản những tháng cuối năm 2021. Xuất khẩu gỗ 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu lâm sản chính đạt khoảng 10,2 tỷ USD, tăng 54,0%

Đáng chú ý, nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng. Trong đó, cao su, nhóm hàng rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu cao su tăng 33,6% về lượng và tăng 73,6% về giá trị; xuất khẩu hạt điều tăng 21,4% về khối lượng và tăng 14% về giá trị; xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn tăng 10,3% về khối lượng và 24,1% về giá trị. Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 182 nghìn tấn, giảm 1,3%) nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 599 triệu USD, tăng 49,8%).

Xuất khẩu hàng hóa đầu năm 2021 tăng bất chấp dịch COVID-19 - ảnh 2

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản.

Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: Sản phẩm chăn nuôi (tăng 16,0%), cá tra (tăng 18,2%), tôm (tăng 12,0%); sản phẩm gỗ (tăng 63,9%), mây, tre, cói thảm (tăng 68,1%); quế (tăng 36,6%).

Giá xuất khẩu bình quân 7 tháng nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng: Hồ tiêu đạt 3.292,9 USD/tấn (tăng 51,8%), cao su đạt 1.677,4 USD/tấn (tăng 30,0%), gạo đạt 541,5 USD/tấn (tăng 11,2%), cà phê đạt 1.840 USD/tấn (tăng 8,3%), sắn đạt 255,3 USD/tấn (tăng 14,1%), chè đạt 1.655,3 USD/tấn (tăng 4,4%).

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 8,2 tỷ USD (chiếm 28,9% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 72,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường này; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 5,5 tỷ USD (chiếm 19,2% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 26,9% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường này; tiếp đến là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 6,8%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,2 tỷ USD (chiếm 4,3%).

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Chính phủ về khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Bộ NN&PTNT những tháng cuối năm 2021 nêu rõ, dịch COVID-19 dự kiến còn nhiều phức tạp ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản, đặc biệt tại các địa phương phải áp dụng giãn cách; việc lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản và nguyên - vật liệu phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Theo Bộ NN&PTNT, sang tháng 8/2021, nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch, rất dễ xảy ra nguy cơ dư nguồn hàng nông sản, lương thực ở vùng sản xuất nhưng lại thiếu hụt ở một số địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.

Riêng về rau củ quả, trong tháng 8/2021, ước tính sản lượng ở phía Nam lên tới hơn 1,1 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ 500 nghìn tấn. Một số loại trái cây có sản lượng lớn như: Xoài 40 nghìn tấn; chuối 109 nghìn tấn, sầu riêng 75 nghìn tấn, cam 40 nghìn tấn, nhãn 40,5 nghìn tấn, khóm (dứa) 30 nghìn tấn, mít khoảng 10 nghìn tấn…

Xuất khẩu hàng hóa đầu năm 2021 tăng bất chấp dịch COVID-19 - ảnh 3

Trái sầu riêng đang vào mùa và rất cần đầu ra.

Trong khi đó, hệ thống logistics kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế. Cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu). Tuy nhiên, với số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu nông sản truyền thống là Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo đó, tăng cường kiểm tra hàng hóa, khử trùng hàng hóa, phương tiện vận chuyển hàng xuất khẩu từ vùng dịch của Việt Nam. Tiếp tục thực hiện quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, do đó thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu bị kéo dài, đồng thời tăng cường quản lý đội lái xe tại cửa khẩu. Thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch, bệnh COVID-19 thông qua đội lái xe chuyên trách làm tăng thời gian giải phóng hàng, đôi khi khi xẩy ra ùn ứ cục bộ. Các thị trường xuất khẩu chính gia tăng áp dụng rào cản kỹ thuật thương mại, điều tra nguồn gốc đối với một số nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Ly Na