Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tăng tốc, nhiều mặt hàng 'về đích' sớm

Trang Mai 16:21 | 09/12/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2024, sự tàn phá của bão Yagi đã khiến ngành nông nghiệp bị thiệt hại gần 31 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, vượt qua nhiều thách thức, toàn ngành vẫn có những tăng trưởng ấn tượng, nhiều mặt hàng đã hoàn thành kế hoạch năm chỉ trong 11 tháng.

‏‏‏Theo số liệu công bố mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ‏‏tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) 11 tháng năm 2024 đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả đạt được, kim ngạch xuất khẩu đã vượt mục tiêu đề ra 54-55 tỷ USD cho cả năm 2024, và đang tự tin để hướng tới kỷ lục mới 60 tỷ USD.

 

‏Về thị trường, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu NLTS sang thị trường Hoa Kỳ tăng 24,6%, Trung Quốc tăng 11%, và Nhật Bản tăng 5,5%.‏

‏Đáng chú ý, cán cân thương mại thặng dư 16,46 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị thặng dư thương mại của ngành tăng mạnh chủ yếu nhờ vào thặng dư thương mại của gỗ và sản phẩm gỗ lên tới hơn tỷ USD. Việc đẩy mạnh ký kết các nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc giúp ngành hàng rau quả xuất siêu 4,56 tỷ USD sau 11 tháng.‏

‏Xét theo mặt hàng cụ thể, ước tính 11 tháng năm 2024, Việt Nam có 7 mặt hàng NLTS có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau quả, cà phê, gạo, tôm, cá tra và hạt tiêu.‏

‏Xuất khẩu nhóm rau quả dự báo vượt 7 tỷ USD‏

‏Trong nhóm nông sản tỷ USD, rau quả vẫn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 ước đạt 500 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam; hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

 

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với kết quả xuất khẩu hiện nay, ngành rau quả Việt Nam sẽ lập mốc kỷ lục 7 tỷ USD, thậm chí có thể vượt mọi dự báo với con số 7,2 tỷ USD trong năm 2024.‏

‏Trong đó, riêng mặt hàng sầu riêng dự kiến đạt khoảng 3,2 tỷ USD, tiếp tục là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành. Với diện tích trồng hiện tại khoảng 154.000 ha và sản lượng gần 1,2 triệu tấn, sầu riêng Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhưng để đảm bảo bền vững, cần có chiến lược dài hạn trong việc nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu.‏

‏Tương tự mặt hàng rau quả, mặt hàng gạo tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Giá trị xuất khẩu gạo trong 11 tháng của năm 2024 đạt gần 8,5 triệu tấn và 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. ‏

‏Với những tiền đề trên cùng với cơ hội trong xuất khẩu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, Việt Nam có thể xuất khẩu được 9 triệu tấn gạo năm 2024. Đây là kết quả của một quá trình dài ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương bền bỉ thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng, tiến tới giảm phát thải.‏

‏Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu, cà phê là sản phẩm trong nhóm nông sản tăng giá mạnh nhất trong 11 tháng, đạt 4,84 tỷ USD, tăng 33% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù lượng xuất khẩu giảm nhưng giá tăng mạnh nên kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện đã vượt cả năm 2023 và thiết lập mốc kỷ lục mới.‏

‏Cũng theo cơ quan này, tính riêng tháng 11, giá cà phê thế giới liên tục tăng và thiết lập kỷ lục mới do các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào và lo ngại nguồn cung chậm trễ từ Việt Nam, cùng với dự báo sản lượng giảm ở Brazil là những động lực giúp cà phê tăng mạnh.‏

‏Còn tại Việt Nam, thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến các vùng thu hoạch cà phê trọng điểm, gây nên mối lo ngại về gián đoạn nguồn cung. Đồng thời, xuất khẩu chậm từ Việt Nam đã làm thắt chặt thị trường cà phê thế giới. Tuy nhiên về trung hạn, giá cà phê thế giới sẽ điều chỉnh giảm khi nguồn cung từ Việt Nam ra thị trường nhiều hơn.‏

‏Trong 11 tháng, hồ tiêu là ‏‏mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 11 tháng đầu năm, đạt 1,22 tỷ USD, tăng gần 47% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tiêu tăng mạnh là nhờ giá tiêu xuất khẩu trong 11 tháng cao hơn 53,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 5.198 USD/tấn.‏

‏Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) nhận định năm nay, giá tiêu tăng mạnh nhờ các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Đông. Ngược lại, thị trường quan trọng là Trung Quốc lại giảm mua. Bà Liên cũng kỳ vọng trong năm 2025 Trung Quốc sẽ quay lại thị trường.‏

‏Còn theo nhận định của các chuyên gia, giá hồ tiêu hiện đã bước qua chu kỳ giảm và đang bắt đầu chu kỳ tăng giá do nguồn cung sụt giảm.‏

‏Xuất siêu gỗ & sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ gần 9 tỷ USD‏

‏Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt hơn 14,6 tỷ USD, dần tiến gần mục tiêu được điều chỉnh từ hồi giữa năm 2024 là 15,2 tỷ USD.‏

 

‏Trong 11 tháng, thặng dư của gỗ và sản phẩm gỗ trong đã đạt 12,11 tỷ USD. Mặc dù đem lại giá trị lớn nhưng ngành gỗ Việt Nam cũng đang đối mặt với sự thay đổi mạnh mẽ về chính sách của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là từ Hoa Kỳ.‏

‏Trao đổi với phóng viên DNVN bên lề một hội thảo về ngành gỗ mới đây, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (‏‏VIFOREST)‏‏ dự báo năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản/phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 16,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 9 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 230 triệu USD.‏

‏Tính riêng thị trường Hoa Kỳ, ngành gỗ Việt đã xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD, điều này cho thấy đây vẫn là thị trường chủ lực và quan trọng hàng đầu của ngành gỗ Việt.‏

‏Theo ông Đỗ Xuân Lập, Hoa Kỳ sẽ có thể có những thay đổi rất lớn trong thời gian tới với các chính sách của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump. Những thay đổi này có thể được tạo ra do chính sách thuế mới được Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này trong tương lai, mức thuế dự kiến sẽ đưa ra là 60% đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 15-20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác.‏

‏“Ngành gỗ Việt Nam có thể được hưởng lợi từ mức thuế cao của Hoa Kỳ áp dụng đối với các hàng hóa từ Trung Quốc nhưng cũng có thể chịu các tác động tiêu cực. Hoa Kỳ cũng có thể áp dụng các mức thuế mới đối với hàng hóa từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng gỗ, điều này sẽ gây ra các khó khăn trong khâu xuất khẩu và tác động tới sản xuất,” ông Đỗ Xuân Lập dự báo.‏

‏Xuất khẩu thuỷ sản gần như chắc chắn đạt mục tiêu 10 tỷ USD‏

‏Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), lũy kế 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

 

‏Xuất khẩu tôm vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng và dự báo sẽ cán mốc 4 tỷ USD vào cuối năm. Các sản phẩm khác như cá tra, cá ngừ cũng ghi nhận sự tăng trưởng khả quan. ‏

‏Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Vasep, năm 2024 xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tích ấn tượng, không chỉ về giá trị mà còn về sự đa dạng và ổn định của các thị trường và sản phẩm xuất khẩu. Dựa trên những tín hiệu tích cực từ thị trường và sản phẩm thủy sản, gần như chắc chắn Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2024, tăng trưởng 11,5% so với năm 2023.‏

‏Đặc biệt, tôm và cá tra sẽ tiếp tục là hai trụ cột chính đóng góp vào kết quả này. Dự báo xuất khẩu thủy sản trong năm 2025 tiếp tục khả quan dù không ít thách thức từ chính sách thương mại quốc tế.‏