Xuất khẩu thủy hải sản tăng trưởng mạnh vượt “bão” COVID-19

15:31 | 15/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Xuất khẩu thủy hải sản trong 7 tháng đầu năm tăng trưởng, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm sẽ phụ thuộc lớn vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh.

 

Theo Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản đạt 4,98 tỉ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính riêng trong tháng 7, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 854 triệu USD, tăng 0,6 so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020.. Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam với trên 1,14 tỉ USD trong 7 tháng, chiếm 22,9% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Mỹ cũng là thị trường tăng trưởng nhiều nhất của ngành thủy sản tính trong 7 tháng đầu năm.

Nhật Bản chiếm vị trí thứ 2 trong số những thị trường nhập khẩu thủy sản nhiều nhất của Việt Nam trong 7 tháng. Ngoài ra, những thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam là EU và Trung Quốc cũng ghi nhận sự tăng trưởng.

Đáng chú ý, Việt Nam hiện đã trở thành nước cung cấp sản phẩm tôm lớn nhất cho Úc, chiếm tỷ trọng áp đảo đến 62% tổng giá trị nhập khẩu tôm của nước này. Trong khối thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Úc được đánh giá là thị trường tiềm năng nhất. Nhờ những hiệu ứng tích cực từ hiệp định này, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Úc ghi nhận sự tăng trưởng rất tốt.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu 2021, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Úc đạt 88,7 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm trước. Nước này cũng là thị trường tăng trưởng nhiều nhất trong số các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021 các nhà cung cấp và phân phối bản lẻ của nước này đã dần thích nghi với tình hình dịch bệnh.

Các hoạt động mua bán đã được nối lại, phương thức thanh toán bán hàng cũng được thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Dịch vụ giao hàng tại nhà tăng lên, ưu tiên cho thanh toán bằng thẻ, chuỗi nhà hàng, nhà cung cấp thủy sản đạ phương cũng chấp nhận đặt hàng trước đã thúc đẩy mức độ tiêu dùng của người dân nước này.

VASEP cũng đánh giá, hiện các thị trường chính của Việt Nam đã có những sự hồi phục trong thời gian vừa qua. Mỹ, EU hay Nhật Bản đều không còn chịu quá nhiều sự tác động từ dịch bệnh COVID-19. Do đó nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường này tăng lên, kéo theo sự tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam.

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng trưởng ấn tượng

Trong bối cảnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ vẫn tăng trưởng rất mạnh trong mấy tháng gần đây. Theo bà Lê Hằng, Phó giám đốc VASEP.PRO, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đang tăng trưởng rất mạnh trong mấy tháng gần đây. Mỹ  là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam với trên 1,14 tỉ USD trong 7 tháng, chiếm 22,9% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Mỹ cũng là thị trường tăng trưởng nhiều nhất của ngành thủy sản tính trong 7 tháng đầu năm.

Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 về lượng và thứ 6 về trị giá cho Mỹ, đạt 62,8 nghìn tấn, trị giá 341,04 triệu USD, tăng 24,6% về lượng và tăng 19,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Theo VASEP, tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản ở Mỹ sẽ tăng đột phá trong nửa cuối năm. Cơ sở của dự báo này là việc triển khai rộng rãi và nhanh chóng tiêm vacxin chống dịch COVID-19 ở Mỹ và gói kích thích kinh tế của Chính phủ nước này đã thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,5% trong quý I/2021. Do vậy, các đơn hàng thủy sản gia tăng không chỉ ở lĩnh vực bán lẻ mà cả ở phân khúc dịch vụ thực phẩm, nhà hàng, khách sạn.

Xuất khẩu thủy hải sản tăng trưởng mạnh vượt “bão” COVID-19 - ảnh 1

Tôm là một trong nhiều sản phẩm thủy sản sẽ được xuất trong Mỹ trong thời gian sắp tới

Với đà tăng trưởng và sự hồi phục hiện nay, dự báo nhập khẩu thủy sản của thị trường Mỹ cuối năm 2021 sẽ tăng 6% về khối lượng đạt 2,9 triệu tấn, giá trị tăng 9% đạt 23,3 tỷ USD, cao hơn cả mức nhập khẩu của những năm trước đại dịch COVID-19. Nhu cầu du lịch và ăn nhà hàng bị kìm nén trong một thời gian dài của người dân Mỹ, sẽ bùng nổ trong những tháng tới. Do đó, Mỹ sẽ là thị trường mục tiêu cho các nước xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, như Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Thái Lan.

Theo Cục Xuất nhâp khẩu (Bộ Công hương), kinh tế Mỹ có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người tiêu dùng tăng cao kể cả trong thời gian đại dịch bùng phát và xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Đó là yếu tố thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.

Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, cơ cấu sản phẩm tiêu dùng sẽ có những thay đổi nhất định. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần chủ động liên hệ với đối tác và xây dựng phương án để bắt kịp xu hướng thay đổi của thị trường trong thời gian tới.

Doanh nghiệp Quảng Châu cần mua hàng trăm tấn thủy sản Việt Nam

Thông tin này được đưa ra trong Phiên giao thương thủy sản Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Châu), thuộc khuôn khổ Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam bộ và Tây Nguyên 2021 do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện.

Thông qua Bộ Công Thương các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã giới thiệu tới các nhà nhập khẩu, thương nhân Quảng Châu đa dạng các sản phẩm tôm, cua, cá tươi, đông lạnh, chế biến chất lượng cao của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Quảng Châu đưa ra nhu cầu cần mua đa dạng các mặt hàng thủy sản từ Việt Nam như: tôm (tôm hùm nhỏ, tôm hùm xanh nhỏ, tôm sú, nhân tôm sú, nhân tôm hùm, tôm thẻ chân trắng Nam Mỹ (chín/ sống); nhân tôm thẻ chân trắng, đuôi tôm; các loại cá (cá basa, cá mực khô, cá ngừ Việt Nam); cua (cua xanh, cua gạch); mực, bạch tuộc; các sản phẩm thủy sản như: da cá, bóng cá, hải sâm.

Thông tin về kết quả ban đầu, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) - cho hay, sau khi thương thảo, đàm phán với doanh nghiệp Việt Nam, số lượng đặt mua của các nhà nhập khẩu, thương nhân Quảng Châu khá lớn. Trung bình, mỗi công ty Quảng Châu cần mua từ 4-5 container thủy sản mỗi tuần để phân phối cho thị trường Quảng Châu và các thị trường ngoại vùng khác tại Trung Quốc.

Xuất khẩu thủy hải sản tăng trưởng mạnh vượt “bão” COVID-19 - ảnh 2

Doanh nghiệp sơ chế tôm để xuất khẩu

Với nhu cầu khá lớn từ các nhà nhập khẩu Quảng Châu, bà Nguyễn Thị Thu Thủy khẳng định, phía Việt Nam có nhiều doanh nghiệp (gồm cả các doanh nghiệp lớn và nhỏ sẵn sàng khả năng đáp ứng các đơn hàng của Trung Quốc.

Riêng đối với mặt hàng cá basa, Thương hội Thủy sản Quảng Châu đề nghị các doanh nghiệp Quảng Châu gom thành một đơn hàng lớn để đặt hàng với phía Việt Nam để được giá cạnh tranh do thị trường cá basa tại Trung Quốc có sự cạnh tranh rất lớn.

Ngoài phục vụ thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Quảng Châu còn có nhu cầu hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản. Một số doanh nghiệp Trung Quốc có yêu cầu chất lượng thủy sản cao cấp, đủ tiêu chuẩn vào EU và có doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng đáp ứng được.

Cũng trong khuôn khổ phiên giao thương, doanh nghiệp Trung Quốc cũng đề nghị Cục XTTM hỗ trợ tư vấn các thủ tục thành lập chi nhánh tại Việt Nam để thu mua thủy sản Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc tốc độ kiểm soát dịch bệnh

Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam đã gặp khó bởi tình hình dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, thời gian qua, hầu hết các tỉnh thành đã yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được duy trì hoạt động khi đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm” để phòng, chống dịch bệnh lây lan vào các nhà máy, các khu công nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy hải sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”. Với những nhà máy thực hiện được, thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50% số lượng lao động, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Do đó, công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây.

Bên cạnh đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến cũng chỉ đạt khoảng 40-50% do việc thực hiện giãn cách chung, dẫn đến sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản số 6565/BYT-MT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phòng, chống COVID-19 tại cơ sở lao động sản xuất kinh doanh. Văn bản nêu rõ, để các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp (đơn vị) chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo sản xuất kinh doanh, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ các hướng dẫn của BCĐ quốc gia, Bộ Y tế và đặc biệt dựa trên đánh giá tình hình thực tế tại địa phương để hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả. Đây được coi là quyết định kịp thời giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh,

Bên cạnh đó, VASEP kiến nghị Chính phủ nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin cho người lao động ngành thủy sản. Khi tạo được miễn dịch cộng đồng, dịch bệnh được khống chế, việc duy trì mức độ tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2021 là hoàn toàn có thể.

Dương Na 

ĐỌC NHIỀU