Xuất khẩu tôm sang EU thuế 0% và cơ hội của doanh nghiệp Việt từ EVFTA

08:25 | 15/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việt Nam xuất khẩu lô tôm nước lợ đầu tiên sang EU với ưu đãi thuế suất 0% theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Đây là cơ hội ngành tôm tăng trưởng từ nay đến cuối năm, dù gặp khó khăn do COVID-19.
Xuất khẩu tôm trong tháng 7 và tháng 8 đã khởi sắc và dự kiến tăng tốc từ nay đến cuối năm nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Hiệp định EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 . Đây là yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm 2020. Nhất là những mặt hàng được hưởng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh, mực bạch tuộc chế biến.

Bởi vậy, trong khi nhiều đối thủ cạnh tranh phải vật lộn với dịch Covid-19, khách hàng đồng loạt chuyển qua mua tôm Việt Nam do kiểm soát dịch tốt.

Cụ thể, sáng 11/9, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận, Công ty TNHH Thông Thuận tổ chức lễ xuất khẩu lô tôm nước lợ vào thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFA. Những lô tôm này đều đạt chứng chỉ ASC - tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất đối với nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm. 
 
Công ty TNHH Thông Thuận (Ninh Thuận) cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam thực hiện lô hàng tôm nước lợ hưởng ưu đãi thuế 0% vào thị trường EU. Hiện Thông Thuận có 2 nhà máy tại Ninh Thuận và Khánh Hòa, với kim ngạch xuất khẩu đạt 100 - 120 triệu USD/năm. Quy trình sản xuất của công ty Thông Thuận là một chuỗi sản xuất khép kín từ con giống đến nuôi và chế biến xuất khẩu.

Đáng ghi nhận là từ đầu năm đến nay, Thông Thuận xuất khẩu khoảng 70 triệu USD. Dự kiến trong trong tháng 9/2020, Thông Thuận xuất khẩu sang EU đạt khoảng 4,5 triệu USD và cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 45 triệu USD. Đồng thời, diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận ASC ở Việt Nam đang được nhân rộng, hiện chiếm 65% diện tích nuôi để đáp ứng yêu cầu thị trường EU.
 
Xuất khẩu tôm sang EU thuế 0% và cơ hội của doanh nghiệp Việt từ EVFTA - ảnh 1
Lễ xuất khẩu tôm nước lợ vào thị trường EU theo EVFTA tổ chức sáng 11/9 tại Ninh Thuận. (Ảnh: Tiền Phong)

Quy trình sản xuất của Thông Thuận là một chuỗi sản xuất khép kín từ con giống đến nuôi và chế biến xuất khẩu. Toàn bộ xí nghiệp nuôi và nhà máy của Thông Thuận đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế như BRC, GlobalGAP, ASC, BAP…

Với việc ký kết EVFTA, các đơn hàng của Thông Thuận tại thị trường EU đã tăng mạnh và có sự dịch chuyển cơ cấu nhóm thị trường xuất hàng của toàn hệ thống. Trong tháng 9/2020, Thông Thuận Group dự kiến xuất khẩu 9,5 triệu USD, trong đó xuất khẩu vào châu Âu đạt khoảng 4,5 triệu USD.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EVFTA đã mang đến nhiều hy vọng cho xuất khẩu tôm sang thị trường EU trong những tháng cuối năm.

Sau khi giảm liên tục trong quý II năm nay, sang tháng 7, kim ngạch xuất khẩu tôm sang EU đạt 54,2 triệu USD. Top 5 thị trường xuất khẩu tôm trong 7 tháng qua, gồm: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, trong đó có thị trường tăng, 2 thị trường giảm. Trong tháng 8, nhờ EVFTA chính thức có hiệu lực, xuất khẩu tôm tăng tới 10% so với tháng trước đó và tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số đáng khích lệ trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay.
 
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thuỷ sản tháng 8/2020 ước đạt 762,31 triệu USD, so với tháng 8/2019 giảm 6,27 %. Cộng dồn 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 5,157 tỷ USD, giảm 6,18% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Xuất khẩu tôm sang EU thuế 0% và cơ hội của doanh nghiệp Việt từ EVFTA - ảnh 2
Theo Bộ NN&PTNT, ngay khi EVFTA có hiệu lực đã mang đến nhiều hy vọng cho xuất khẩu tôm sang thị trường EU trong những tháng cuối năm (Ảnh: Tiền Phong)

4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao lần lượt là: tôm, cá tra, cá ngừ và cá các loại. Nhưng trong 7 tháng đầu năm 2020 chỉ có mặt hàng tôm đạt hơn 1,911 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2019. Còn lại, cá tra chỉ đạt 791 triệu USD, giảm mạnh đến 30,1%; cá ngừ đạt 356,534 triệu USD, giảm gần 17%; cá các loại đạt 891,859 triệu USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Khi Việt Nam tham gia EVFTA, các đơn hàng của công ty tại thị trường EU cũng tăng mạnh và có sự dịch chuyển cơ cấu nhóm thị trường xuất hàng của toàn hệ thống.

Đánh giá cơ hội đối với tôm Việt Nam tại thị trường EU, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, hầu hết hệ thống phân phối sản phẩm tôm cao cấp tại EU đều yêu cầu về chứng nhận ASC. Trong khi, ASC là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.
 
Hiện diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận này ở Việt Nam đã và đang được nhân rộng để đáp ứng yêu cầu thị trường EU. Bộ NN&PTNT nhận định, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng, dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19.

Với những tín hiệu lạc quan trong 2 tháng vừa qua, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cũng dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục tăng.

Hải Yến

Xem thêm: Xuất khẩu tôm, cá ngừ sang EU tăng trở lại sau thời gian `chạm đáy` do Covid-19