Yếu tố giúp doanh nghiệp chuyển mình sau đại dịch
Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên một số nền kinh tế lớn của thế giới đã dần mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ. Tại Việt Nam, từ ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với 4 cấp độ áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Đây thực sự như “luồng gió mới”, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trở lại sản xuất, kinh doanh, tái chiếm lĩnh thị trường, giúp việc phục hồi kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vaccine. Ngoài ra, cần nhìn nhận doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó với dịch Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp. Cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tùy theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp sẽ thực hiện mở cửa dần dần, tùy theo từng loại hình, quy mô doanh nghiệp và cơ cấu lao động mà doanh nghiệp sử dụng. Doanh nghiệp kiến nghị được trao quyền chủ động về mô hình và phương thức tổ chức sản xuất và hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp có F0 trong phạm vi hẹp của một dây chuyền, phân xưởng, bộ phận riêng biệt thì không cực đoan phong tỏa, đóng cửa cả doanh nghiệp.
Có thể nói, việc Chính phủ điều chỉnh chiến lược chống dịch từ “Zero Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 hay theo cách nói của thế giới là “sống chung với Covid-19” là rất đúng đắn, kịp thời. Những giải pháp của Chính phủ là cơ sở bước đầu vững chắc để khởi động quy trình nới lỏng giãn cách, khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị ngưng trệ kéo dài, đặc biệt là ở TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam.
Trong thời gian dịch bệnh hoành hành, số liệu thống kê chỉ ra có đến 69% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, 16% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, chỉ có 15% doanh nghiệp hoạt động bình thường. Thế nhưng, giới chuyên gia nhận định, “những gì không giết được chúng ta sẽ làm chúng ta mạnh mẽ hơn” và những tháng cuối năm được xem là “lò xo nén”, 85% số doanh nghiệp bị nén chặt lại trong dịch sẽ bắt đầu bật ra và bùng nổ rất nhanh.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ ra 4 trọng điểm để doanh nghiệp có thể chuyển mình sau đại dịch. Đó là chuyển từ quản trị doanh nghiệp qua chỉ huy doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào ứng dụng công nghệ sẽ nhanh chóng trở thành doanh nghiệp xanh để ứng phó với dịch. Văn hóa doanh nghiệp là điều rất quan trọng để có 200% năng suất, từ người quản lý đến nhân viên tiếp tục chiến đấu cùng nhau để đạt được mục tiêu chung.
Cuối cùng cũng là quan trọng nhất, người lãnh đạo phải là người biết nhìn xa trông rộng, có năng lực nhìn thấy tương lai và chèo lái con thuyền doanh nghiệp đi đúng đường.
Thanh Tùng