Yếu tố `hạnh phúc” là một điểm nhấn trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII

08:51 | 28/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Yếu tố "hạnh phúc” là một điểm nhấn trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Trả lời báo chí bên lề "Hội thảo những nội dung mới và điểm nhấn trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng" sáng 26/9, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, các điểm mới lần này xuất phát từ bối cảnh, tình hình hiện nay xuất hiện nhiều cái mới mà chúng ta phải vươn lên để tiếp cận.
 
Ngoài ra, theo ông Phùng Hữu Phú, chúng ta đã tích lũy được kinh nghiệm, bài học sau 35 năm đổi mới; tiếp cận được với xu thế phát triển của thế giới và tư duy hiện đại, kinh nghiệm thành công của các quốc gia.
 
Yếu tố `hạnh phúc” là một điểm nhấn trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII - ảnh 1
GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương.
 
"Cái mới trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII lần này không phải mới về câu chữ mà mới từ cách tiếp cận, từ tầm bao quát", Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh.
 
Không phải cứ thu nhập cao là sung sướng
 
Ông có thể nói rõ hơn những điểm mới của dự thảo văn kiện Đại hội XIII là gì?
 
Lần này văn kiện không chỉ đánh giá 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội XII, mà đánh giá 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH 2011 mà còn đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991.
 
Mục tiêu định hướng tới không chỉ 5 năm, 10 năm mà còn đưa ra tầm định hướng đến năm 2045 gắn với hai cột mốc quan trọng 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 thành lập nước.
 
Như thế, tầm bao quát rộng hơn nhiều.  Đây là một bản văn kiện có nhiều điểm mới về tư tưởng và có cả một hệ quan điểm chỉ đạo mà trước đây không có.
 
Một điểm mới nữa là trong việc xác định mục tiêu, dự thảo văn kiện vừa kế thừa cách tiếp cận truyền thống, vừa tiếp cận với các chuẩn mực chung của thế giới. Bên cạnh đó, các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đều có nhiều điểm mới trong việc xác định đột phá chiến lược.
 
Việc đưa ra tầm nhìn dài hơi đến 2045 có ý nghĩa như thế nào, thưa Giáo sư?
 
Trong dự thảo văn kiện có nói đến năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước, phấn đấu nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
 
Đó là mục tiêu cao nhưng nếu chúng ta thực hiện tốt các đột phá chiến lược và phát huy mạnh mẽ khát vọng của cả dân tộc vì một “Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” và quán triệt được tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi dậy được sức mạnh văn hóa, sức mạnh và giá trị con người Việt Nam, đặc biệt là chúng ta tranh thủ được thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì mục tiêu đó là khả thi.
 
Như vậy điểm mới của dự thảo văn kiện đến thời điểm này so với dự thảo lần đầu có thay đổi trong việc xác định “khát vọng phát triển đất nước”. Ông có thể nói rõ hơn vì sao lại có sự thay đổi này?
 
Trong dự thảo lần này có nhấn mạnh đến vấn đề “khát vọng phát triển đất nước”. Khát vọng phát triển đất nước là một yếu tố rất là mới, thực sự là nhân tố thể hiện sức mạnh nội địa, tìm tòi của dân tộc ta. Vấn đề đặt ra là khát vọng phát triển thế nào thì lúc đầu nhiều người nghĩ là “xây dựng một nước Việt Nam hùng cường”. Việc này cũng đúng..
 
Qua đại dịch Covid-19 vừa rồi càng ngày càng hiểu là: "hóa ra không phải cứ thu nhập cao là sung sướng, không phải cứ tốc độ tăng trưởng nhanh là sung sướng mà quan trọng nhất là cuộc sống bình yên và hạnh phúc".
 
Nhưng sau qua cân nhắc toàn diện, gần đây nhất,  Tiểu ban Văn kiện báo cáo Bộ Chính trị đưa vào dự thảo “khát vọng triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đặc biệt là nhấn mạnh đến yếu tố "hạnh phúc" của nhân dân.
 
Cho nên, yếu tố “hạnh phúc” là một điểm nhấn trong dự thảo lần này, tính con người, tính nhân văn được thể hiện đậm nét.
 
Ưu tiên phát triển hạ tầng số
 
Vậy những điểm đột phá được xác định trong dự thảo văn kiện có gì khác so với trước đây?
 
Phần cuối của dự thảo báo cáo chính trị có nhấn đến 3 đột phá chiến lược: thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng. Đây là ba đột phá chiến lược có tính lâu dài nhưng quan trọng là trong từng giai đoạn cụ thể thì xác định nội dung đột phá thế nào.
 
Nhiệm kỳ XIII, chúng ta nhấn về thể chế, cụ thể là làm sao để có một thể chế để thu hút và sử dụng tốt nhất các nguồn lực; để có thể giải quyết tốt vấn đề phân cấp, phân quyền nhưng đồng thời để kiểm soát chặt chẽ quyền lực; có thể chế thế nào để chúng ta tiếp tục tạo một môi trường sản xuất kinh doanh thật sự trong sạch, lành mạnh.
 
Về nguồn nhân lực, lần này nhấn mạnh đến nguồn nhân lực chất lượng cao và ưu tiên cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực trọng yếu. Nguồn nhân lực cao gắn liền với nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và xây dựng, phát triển văn hóa, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của người Việt Nam.
 
Còn đột phá về hạ tầng, lần này chọn một số công trình quốc gia trọng điểm về giao thông để ứng phó biến đổi khí hậu và ưu tiên phát triển hạ tầng số để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, từng bước xây dựng một nền kinh tế số và xã hội số. Đấy là những cái mới trước đây không có.
 
Trong dự thảo văn kiện lần này có nhấn mạnh đến việc “người dân thụ hưởng”. Ông có thể phân tích rõ hơn việc này?
 
Đại hội nào chúng ta cũng đặt nhân dân là chủ thể và đặc biệt coi trọng nhân dân. Nhưng đến đại hội XIII, do yêu cầu phát triển đất nước rất cao và trước một bối cảnh rất nhiều thời cơ thuận lợi và đầy thử thách thì vai trò của nhân dân càng lớn.
 
Do đó chúng ta tiếp tục tiếp tục phát triển tư duy về nhân dân mà trước đây chúng ta nói là cơ chế dân chủ để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Nhưng lần này thêm “dân giám sát và dân thụ hưởng”. Cái đó là quy luật, làm thì phải được hưởng, còn nếu làm mà không thụ hưởng thì không ai làm.
 
Động lực chính là lợi ích. Lợi ích phải hài hòa tổng thể  lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Bây giờ chúng ta phải hoàn thiện điều này.
 
Đến thời điểm này, việc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến trong Đảng cũng như ngoài xã hội vào dự thảo văn kiện Đại hội lần này có gì khác hơn so với những lần trước đây?
 
Cơ bản vẫn đảm bảo theo quy trình trước đây nhưng được mở rộng về diện và nhiều kênh. Vừa rồi, Trung ương gửi báo cáo tóm tắt dự thảo văn kiện để xin ý kiến tại Đại hội cấp cơ sở và gửi toàn văn dự thảo văn kiện để xin ý kiến Đại hội cấp trên cơ sở, cấp tỉnh thành.
 
Đồng thời, các cơ quan nghiên cứu, đặc biệt là Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên gia lắng nghe ý kiến từ nhiều nơi. Nhiều tổ chức Đảng, nhiều cá nhân đã chủ động viết góp ý gửi tới Tiểu ban Văn kiện.
 
Sắp tới, sau Trung ương 13 (vào tháng 10) dự thảo văn kiện sẽ được hoàn thiện một bước nữa và gửi rộng rãi xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị và toàn dân.  Trên cơ sở đó tổng hợp lại để hoàn chỉnh một lần nữa mới trình ra Đại hội XIII.
 
Có thể nói, lần này làm rất công phu, nghiêm túc. Qua những cuộc hội thảo, tọa đàm, qua lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là các chuyên gia, bộ phận biên tập tiếp thu được nhiều, tiếp cận vấn đề ngày càng sáng rõ hơn, được trình bày nhất quán, sâu sắc.
 
Theo vietnamnet.vn