170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo: Nhiều ‘ông lớn’ góp mặt
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) mới đây đã công bố danh sách thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đến ngày 18/10/2023. Theo đó, có 170 thương nhân lọt danh sách này.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo nhất với 37 thương nhân. Tiếp theo là thành phố Cần Thơ với 36 thương nhân; Long An với 22 thương nhân; An Giang với 16 thương nhân.
Những doanh nghiệp lớn trong xuất hiện trong danh sách này có thể kể đến là Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2, mã: VSF). Năm 2022, doanh nghiệp này chiếm hơn 14% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, sản lượng quy gạo bán ra ước thực hiện năm 2022 hơn 1.100 tấn, doanh thu gần 18.000 tỷ. Về lợi nhuận trước thuế, tổng hợp toàn Tổng công ty năm 2022 ước lãi 88 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm.
Hay tại Tập đoàn Lộc trời (mã: LTG), luỹ kế cả năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận mức doanh thu kỷ lục với 11.690 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước, chủ yếu là nhờ xuất khẩu gạo thu về 6.430 tỷ. Lũy kế năm 2022, Lộc Trời lãi trước thuế 558 tỷ đồng và lãi ròng lãi 412 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch cả năm 12 tỷ đồng, đồng thời là mức lãi cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp này.
Một số doanh nghiệp khác cũng thu về cả nghìn tỷ năm 2022 có mặt trong danh sách như: Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, CTCP xuất nhập khẩu An Giang – Angimex, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An,...
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lũy kế 9 tháng năm 2023, cả nước đã xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo, kim ngạch thu về đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức kỷ lục trong lịch sử 34 năm xuất khẩu lúa gạo.
Trước đó, năm 2011, nước ra thu về kỷ lục 3,65 tỷ USD nhưng sản lượng lên tới 7,1 triệu tấn, cao hơn 500 nghìn tấn với 9 tháng năm 2023. Liên tục các năm 2012-2018, giá gạo xuất khẩu suy giảm, khiến kim ngạch xuất khẩu luôn ở dưới mức 2,5 tỷ USD.
Không chỉ có những lợi thế về giá khi các nước cấm xuất khẩu gạo, chúng ta đã tận dụng tốt cơ hội thị trường. Nhìn lại năm 2008, giá gạo 5% tấm xuất khẩu từng có lúc đã đạt đỉnh điểm 1000 USD/tấn, nhưng khi đó Chính phủ nước ta đã ra lệnh ngừng xuất khẩu gạo, nên gần như không có thương nhân nào xuất khẩu được với giá đó.
Thực tế, giá cao nhất mà doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đạt được là 700 USD/tấn. Cũng trong năm đó, nước ta chỉ xuất khẩu được 4,8 triệu tấn gạo, kim ngạch chỉ đạt 2,87 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2008 đạt 597 USD/tấn.
Với dư địa gạo còn lại, trong quý IV/2023, dự báo mỗi tháng sẽ xuất khẩu khoảng 500.000 tấn. Như vậy, khả năng cả năm sẽ xuất khẩu kỷ lục 8 triệu tấn gạo, ước tính lập kỷ lục kim ngạch 4,5 tỷ USD.