Thủ tướng Malaysia cảnh báo người tích trữ gạo vì giá tăng

H.Mĩ 14:07 | 04/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thủ tướng Malaysia ông Anwar Ibrahim cảnh báo việc tích trữ gạo trong bối cảnh giá tăng cao sẽ bị coi là vi phạm pháp luật.  Điều đó có nghĩa là chủ siêu thị hoặc nhà máy xay xát gạo bị phát hiện tích trữ gạo cũng có thể bị kết án.

Theo trang Nikkei Asia, Thủ tướng Malaysia ông Anwar Ibrahim đưa ra cảnh báo sẽ có biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với bất kỳ ai tích trữ gạo. Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh người tiêu dùng đang phải vật lộn với giá lương thực tăng cao. 

“Tôi biết, một số người đang lợi dụng tình hình giá gạo cao để đầu cơ, tích trữ. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Mohamad Sabu nhắc lại chỉ thị rõ ràng của tôi với các cơ quan chức năng: Nếu có ai dám lợi dụng giá gạo cao vào thời điểm khó khăn hiện tại, hãy cẩn thận. Chúng tôi sẽ tìm ra những người vi phạm và sẽ đưa ra toà”, ông Anwar phát biểu hôm 2/10 trong quá trình vận động cho một cuộc bầu cử phụ ở bang Pahang.

Phát biểu của thủ tướng Malaysia được đưa ra trong bối cảnh cơn hoảng loạn mua gạo lan rộng khắp cả nước.

Người Malaysia đã hoảng hốt khi thấy các kệ hàng trống rỗng tại các siêu thị và cửa hàng tạp hóa nhỏ. Các bao gạo trắng nội địa bị bán hết do giá gạo nhập khẩu tăng. Padiberas Nasional (Bernas), một tập đoàn địa phương kiểm soát việc phân phối gạo, tháng trước đã công bố giá gạo nhập khẩu tăng 36%, khiến người dân tìm kiếm gạo địa phương rẻ hơn.

Đạo luật Kiểm soát Nguồn cung cấp của Malaysia quy định rằng những ai nào che giấu hoặc tiêu hủy bất kỳ mặt hàng bị kiểm soát nào sẽ bị coi là phạm tội. Điều đó có nghĩa là chủ siêu thị hoặc nhà máy xay xát gạo bị phát hiện tích trữ gạo cũng có thể bị kết án.

Thủ tướng, đồng thời là bộ trưởng tài chính của Malaysia, đã công bố trợ cấp thêm 400 triệu ringgit (tương đương gần 85 triệu USD) để nhập khẩu gạo, phục vụ cho các cơ sở của chính phủ như bệnh viện, trường học và lực lượng vũ trang. Ông Anwar cho biết điều này giúp bổ sung thêm 5% lượng gạo sản xuất nội địa ra cho người tiêu dùng. 

Trong khi đó, đầu tuần này, ông Mohamad Sabu, Bộ trưởng Nông nghiệp và An ninh lương thực, đã công bố một số biện pháp can thiệp mạnh mẽ mới nhằm hạn chế các vấn đề về giá gạo tăng cao và tình trạng thiếu nguồn cung trong nước. Các biện pháp này bao gồm áp trần giá gạo nhập khẩu ở Sabah và Sarawak, hai bang ở đảo Borneo. Mức giá trần được ấn định 31 ringgit cho mỗi bao 10 kg bắt đầu từ ngày 5/10.

Ngoài ra, chính phủ đang thành lập một đội đặc nhiệm để củng cố hoạt động sản xuất gạo trắng địa phương. Điều này sẽ có sự tham gia của nhiều cơ quan thực thi khác nhau để đảm bảo kiểm tra và giám sát ở tất cả cấp trong chuỗi cung ứng gạo địa phương.

Bà Fatimah Mohamed Arshad, thành viên cấp cao tại Viện Dân chủ và Kinh tế địa phương, kêu gọi chính phủ sử dụng cách tiếp cận theo từng giai đoạn. Điều này nhằm thực hiện những cải cách cần thiết, chuyển sang thị trường mở và bãi bỏ quy định nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm.

Bà nói thêm mục tiêu giữ vững an ninh nguồn cung gạo có thể đạt được nếu sự cạnh tranh trong ngành được nâng cao, thay vì các hoạt động độc quyền hiện nay. 

"Malaysia tiếp tục chính sách bảo hộ kéo dài nửa thế kỷ đối với mặt hàng gạo mặc dù ngành này dường như đang có xu hướng đi xuống do bị ảnh hưởng bởi khí hậu, chi phí đầu vào cao, lạm phát và những thiếu sót về cơ cấu. Rõ ràng, ngành gạo đang cần sự thay đổi mang tính hệ thống để có khả năng phục hồi chứ không phải là một chiến lược chữa cháy ngắn hạn", bà nói.