2018 - năm của bước ngoặt hội nhập kinh tế quốc tế

00:45 | 27/01/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng năm 2018 là bước ngoặt trong hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Đây cũng là thời điểm Việt Nam phải hoàn thiện thủ tục với các tổ chức kinh tế thế giới để được trao quy chế thị trường.

Sáng 25/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018: Vững bước cải cách”, với sự tham dự của các chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Lưu Bích Hồ, Lê Đình Ân…

Hội thảo đã tập trung đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2017, từ đó nhận diện thách thức và tìm ra giải pháp đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2018.

2018 - năm của bước ngoặt hội nhập kinh tế quốc tế - ảnh 1
 Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018: Vững bước cải cách”. Nguồn: Internet.
Thay đổi khác biệt từ chuyển động bên trong

Khá lạc quan triển vọng của kinh tế Việt Nam năm 2018, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhận định về sự "khởi đầu rất đẹp", trên đà tăng trưởng kinh tế tích cực năm 2017 thông qua cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Sự kiện Thủ tướng đã ký Nghị định 08 về bãi bỏ khoảng 600 điều kiện kinh doanh trong ngành công thương; cổ phần hoá, thoái vốn Sabeco; đưa ra dự thảo cuối cùng để sửa Nghị định 38 của Chính phủ về an toàn vệ sinh thực phẩm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị bãi bỏ 34% điều kiện kinh doanh và đơn giản hoá phần lớn các điều kiện khác.. là minh chứng tiêu biểu cho những hay đổi khác biệt từ chuyển động bên trong, không quá phụ thuộc vào áp lực bên ngoài như trước, ông Cung chia sẻ.

Từ những cải thiện tích cực của môi trường kinh doanh năm 2017, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) đưa ra dự báo: Tăng trưởng năm 2018 của Việt Nam đạt 6,58%. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%. Thặng dự thương mại ở mức 1,1 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2018 so với năm 2017 khoảng 3,74%.

Năm của bước ngoặt

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng năm 2018 là bước ngoặt trong hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Đây cũng là thời điểm Việt Nam phải hoàn thiện thủ tục với các tổ chức kinh tế thế giới để được trao quy chế thị trường.

2018 - năm của bước ngoặt hội nhập kinh tế quốc tế - ảnh 2
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM. Nguồn: Internet. 
Việt Nam cần rút kinh nghiệm từ bài học của Trung Quốc, dù đã chuẩn bị trong hơn 1 năm nhưng vẫn không được Mỹ, Nhật Bản và EU công nhận trao quy chế thị trường.Vấn đề này cũng có thể xảy ra đối với Việt Nam.

Để đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững hơn trong năm 2018, TS. Lê Đăng Doanh khuyến nghị Việt Nam tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Cùng với đó, thúc đẩy nền kinh tế thị trường và khuyến khích khu vực doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đưa ra giải pháp cụ thể để đối phó với nguy cơ người lao động, nhất là trên lĩnh vực dệt may và da giày trước tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Doanh đưa ra lời khuyên Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm từ Đức và Thụy Điển. Mặc dù các nước này vận dụng khoa học công nghệ giúp cho kinh tế phát triển nhưng đồng thời tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm vì giữa doanh nghiệp và nhà nước có sự hợp tác rất chặt chẽ, có quy chế rõ ràng.

Khi một doanh nghiệp vận dụng robot, trí tuệ nhân tạo vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ phải báo cáo cụ thể cho Nhà nước “loại” ra bao nhiêu lao động, thu xếp và bố trí công việc cho người lao động như thế nào? Để thực sự đối phó được với cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần có Bộ máy Nhà nước kiến tạo, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, ông Doanh kiến nghị.

Khẳng định vai trò quan trọng của ổn định kinh tế vĩ mô, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc cho rằng: Tích cực hơn trong tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, ổn định doanh nghiệp đi đôi với quản trị doanh nghiệp, cử đại diện sở hữu vốn nhà nước trong các doanh nghiệp là những yêu cầu cần thiết để kinh tế Việt Nam phát triển.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan giải thích: Thực tế trong năm 2017, rất nhiều Bộ ngành, địa phương đã đưa ra những văn bản liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, để những văn bản này áp dụng vào thực tiễn, cần có một hành động xuyên suốt, liên tục, có như vậy mới củng cố được niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh./.

Minh Hoa