2018 tăng trưởng GDP Việt Nam cao nhất trong vòng 10 năm qua

20:26 | 20/12/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là phần lớn ý kiến đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018 do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) tổ chức vào sáng 20/12.

Theo thông tin từ NFSC, năm 2018, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm hơn dự báo chủ yếu do căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp và nhiều khả năng giá dầu bình quân tăng trên 30%.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vấn tiếp tục đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Tăng trưởng kinh tế ước đạt mức 6,9-7%, đây là mức cao nhất trong 10 năm nhờ vào động lực chính là công nghiệp chế biến chế tạo và ngành dịch vụ. Lạm phát được kiểm soát dưới 3,6%, lạm phát cơ bản được duy trì ở mức ổn định dưới 1,5%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư cao, nợ công và cân đối  ngân sách được kiểm soát đảm bảo các mục tiêu của Quốc hội đề ra.

Bên cạnh đó, nền tảng tài chính tiếp tục được củng cố, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cung ứng vốn của thị trường tài chính chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vốn vào khu vực ngân hàng và gia tăng vai trò của thị trường vốn. Cung ứng vốn từ khu vực ngân hàng giảm nhưng hiệu quả và chất lượng hơn. Thanh khoản hệ thống được đảm bảo, lãi suất và tỉ giá ổn định. Thị trường chứng khoán tăng trưởng vượt bậc về quy mô với mưc vốn hóa thị trường đạt 75% GDP, vượt chỉ tiêu đề ra của năm 2020.                          

Phát biểu khai mạc, ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết: Năm 2018, kinh tế toàn cầu có rất nhiều biến động. Trong đó, đáng chú ý là dù kinh tế Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản phát triển chậm lại, nhưng riêng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh và tiếp tục chứng tỏ là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế thế giới. Qua đó, giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức rất cao 3,7%.

Trong khi đó, chiến tranh thương mại đã làm cho khối lượng thương mại toàn cầu giảm mạnh năm 2018 chỉ còn 4,2% và năm 2019 dự kiến chỉ tăng 4%. Bên cạnh đó, việc giá dầu thô bình quân tăng trong năm qua cũng khiến lạm phát toàn cầu tăng 3,78%. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mức cao. Thị trường tài chính 2018 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ. Thị trường vốn phát triển vượt bậc. Hệ thống ngân hàng lợi nhuận tăng lên; đó là nhờ các hệ thống chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

2018 tăng trưởng GDP Việt Nam cao nhất trong vòng 10 năm qua - ảnh 1
 Ông Nguyễn Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia.
Cùng quan điểm ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trên 7% trong năm nay, cao nhất kể từ năm 2007. Động lực tăng trưởng đến từ hai khu vực chính là công nghiệp chế biến và dịch vụ, song theo ông Thành, đã có sự thay đổi căn bản trong cấu thành của hai bộ phận này.
"Nếu như năm 2017, Việt Nam phụ thuộc vào điện thoại và thiết bị điện tử với tốc độ tăng trưởng 20-30% thì nhóm ngành này chỉ tăng khoảng 11% trong 11 tháng năm 2018. Động lực cho sự tăng trưởng thay vào đó lại đến từ những ngành hưởng lợi từ chính sách để thay thế hàng nhập khẩu, như sản xuất ô tô và dược phẩm", ông Thành nói.
Một điểm tích cực, theo đánh giá của chuyên gia đến từ Fulbright, là việc tăng trưởng trong năm nay không còn phụ thuộc vào tín dụng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng theo ước tính của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho năm 2018 dưới 15%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng hơn 18% của năm 2017, tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhất 10 năm.
"Nhiều chuyên gia đã tỏ ra quan ngại khi tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam những năm trước gắn với mức độ thâm dụng tín dụng. Tuy nhiên trong năm nay, không cần tăng trưởng tín dụng cao nhưng tăng trưởng GDP vẫn tiếp tục tăng", ông Thành nói và cho rằng đây là một yếu tố tích cực của năm 2018.
Theo ông Lê Đức Thúy, Nguyên Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia lại cho rằng, những con số đạt được trong năm qua rất tích cực, nhưng 2018 chỉ còn có 10 ngày kết thúc nên các biến động của thế giới trong những ngày cuối cùng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam năm 2019. Bên cạnh đó, dù  năm 2018, Việt Nam đã thành công về kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, những tăng trưởng trước mắt dù đạt mức  cao nhưng về dài hạn có thể đáng lo ngại. Do đó, Việt Nam cần có sự tăng trưởng hợp lý và ổn định lâu dài.
Mặc dù có những ảnh hưởng do biến động liên tục từ nền kinh tế thế giới, nhưng NFSC dự báo, năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%, nhưng cần cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng đầu tư tư nhân; tái cơ cấu kinh tế cần phải thực hiện triệt để; chuyển đổi sâu và rõ nét hơn mô hình tăng trưởng nhằm tận dụng được những cơ hội đến từ yếu tố quốc tế.
Đó là xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại; Triển vọng tích cực từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và một số các FTAs… Lạm phát có thể kiểm soát ở mức khoảng 4% nếu việc điều chỉnh giá dịch vụ công được kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài ra, NFSC cũng nhấn mạnh, do tính chất hợp tác quốc tế sâu rộng nên nền kinh tế Việt Nam năm 2019 ít nhiều sẽ chịu tác động bởi yếu tố quốc tế biến động khó lường. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp và nhiều khả năng còn tiếp tục kéo dài ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Do đó, ổn định tài chính cần tiếp tục được coi là một trong các ưu tiên trong điều hành chính sách năm 2019.