2019: Doanh nhân tư nhân thực hiện sứ mệnh là động lực quan trọng của nền kinh tế
Chủ trương kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng phát triển kinh tế năm 2019 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện chính sách nhất quán phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước ta từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX năm 2002 đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII năm 2017, khẳng định kinh tế tư nhân là bộ phận hợp thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một động lực quan trọng phát triển kinh tế, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Cùng với quyết tâm chính trị phát triển kinh tế tư nhân, trong thời gian qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo điều hành cụ thể, đúng đắn để phát triển kinh tế tư nhân như cắt giảm điều kiện kinh doanh bất hợp lý, kiểm tra chuyên ngành không còn phù hợp với việc áp dụng công nghệ thông tin trên nền tảng internet hay thành lập tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện các quyết định của Thủ tướng giao hoặc chỉ đạo cho các bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của khu vực kinh tế tư nhân…
30 năm phát triển kinh tế tư nhân kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, những gì mà khu vực này làm được cho kinh tế, xã hội nước ta là việc không thể bàn cãi. Nhưng, liệu kinh tế nhân đã thực sự trở thành động lực hay chưa thì vẫn là câu chuyện cần được mổ xẻ bởi “Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế” như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII chỉ rõ.
Kinh tế tư nhân nước ta gồm hai bộ phận: Tư bản tư nhân hoạt động dưới hình thức các loại hình doanh nghiệp của tư nhân và kinh tế cá thể, tiểu chủ hoạt động dưới hình thức kinh tế hộ cá thể (kinh tế hộ).
Doanh nghiệp của tư nhân nước ta đã phát triển mạnh về số lượng trong những năm đầu của Thế kỷ này và đã có thời điểm cuối những năm 2000 số lượng doanh nghiệp tư nhân đã nhiều hơn con số hiện nay (thời điểm này có 60 vạn doanh nghiệp của tư nhân).
Gần đây, số lượng thành lập mới tăng chậm, nhưng tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể phá sản lại tăng cao hơn (theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế-xã hội 11 tháng đầu năm 2018 thì số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đang ký hoặc chờ giải thể tăng đến 64% , trong khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ tăng có 4,5% so cùng kỳ). Về chất lượng đóng góp cho GDP từ chỗ chiếm khoảng ¼ của khu vực kinh tế tư nhân vào đầu những năm 2010 đến nay chỉ còn độ 20% trong tổng số đóng góp 40% của khu vực kinh tế tư nhân cho GDP (con số tuyệt đối từ 10% giảm xuống còn 8%).
Hầu hết các doanh nghiệp của tư nhân có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, công nghệ lạc hậu, quản trị kém không hơn nhiều so với hộ kinh doanh. Như vậy bộ phận doanh nghiệp của tư nhân đã bị giảm đi cả về lượng và chất trong thời gian gần đây.
Năm 2019 là năm mà chúng ta phải đặt sự quan tâm nâng cao chất lượng doanh nghiệp của tư nhân đang hoạt động cùng với phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có một triệu doanh nghiệp tư nhân. Đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước để các doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh. Thực hiện liên kết với nhau giữa kinh tế tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế hợp tác làm cho hệ sinh thái kinh doanh (cộng sinh, tạo thế cân bằng sinh thái) phát huy trên thực thế. Phát huy lợi thế, hạn chế rủi ro thực hiện các FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP và EVFTA. Không có cách nào khác phải ứng dụng khoa học, công nghệ, tăng sức cạnh tranh, tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Kinh tế hộ (không kể nông nghiệp) nước ta có trên 4 triệu là những cơ sở sản xuất kinh doanh, phần lớn có quy mô nhỏ, vốn ít, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ quản lý yếu kém, hiệu quả và sức cạnh tranh yếu, ít đầu tư vào lĩnh vực sản xuất; còn có nhiều khó khăn, vướng mắc về vốn, về mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Tính phi chính thức của kinh tế hộ như công tác kế toán, thiếu tuân thủ pháp luật thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường... dã dẫn đến tình trạng không ít hộ kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại… diễn ra nghiêm trọng, phức tạp.
Chúng ta phải sửa những chính sách về thuế về kế toán, cùng với đó là gỡ nút thắt về quyền kinh doanh đối với hộ kinh doanh và đưa công tác quản lý nhà nước đối với các hộ kinh doanh về một mặt bằng như đối với doanh nghiệp của tư nhân. Đó là những chính sách đặt hộ kinh doanh vào môi trường bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh như các doanh nghiệp của tư nhân, trước hết là các SME theo nguyên tắc thị trường. Hộ kinh doanh sẽ có 2 phương án lựa chọn một cách tự nguyện, hoặc tiếp tục kinh doanh theo hộ, cá thể hoặc chuyển thành doanh nghiệp. Có phương án chọn thường dễ quyết định hơn là 1 phương án cứng nhắc. Thực hiện chính sách này thì mục tiêu phát triển doanh nghiệp tư nhân đến năm 2020 sẽ có thêm điều kiện thuận lợi về pháp lý để thực hiện, khu vực kinh tế phi chính thức không quan sát được sẽ được thu hẹp.
Thưa ông, với tinh thần “đoàn kết, đổi mới và sáng tạo” mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai, nhiệm kỳ 2018-2023 Hội DNTNVN vừa đưa ra, Ban Chấp hành Trung ương Hội sẽ làm gì để phát huy hơn nữa là cầu nối giữa cộng đồng doanh nhân tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, góp phần taọ sự bứt phá về thể chế mà Thủ tướng đã đưa ra trong năm 2019?
Ban Chấp hành Trung ương Hội đang triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ hai, nhiệm kỳ 2018-2023 đã được Đại hội thông qua, trong đó có chủ trương Hội phải là cầu nối giữa hội viên, doanh nhân với Nhà nước mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên. Hội là địa chỉ tin cậy để hội viên, doanh nhân phản ánh tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân, doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.
Tiếp tục tổ chức diễn đàn và hội thảo, với chủ trương: Diễn đàn và hội thảo là nhu cầu và có sức hút mạnh mẽ hội viên doanh nhân tư nhân tham gia nhằm trao đổi, quán triệt sâu sắc chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân; làm sáng tỏ chính sách phát triển kinh tế tư nhân một sách khoa học cả về lý luận và thực tiễn đang đặt ra. Tại đây, hội viên có cơ hội bày tỏ ý kiến, chia sẻ cách làm hay, rủi ro cần tránh, kiến nghị, hiến kế xây dựng thể chế phát triển kinh tế tư nhân.
Hội tiếp tục chủ động tham gia, góp ý cho các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kinh tế tư nhân. Kịp thời nắm bắt những khó khăn trở ngại trong sản xuất kinh doanh, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ. Xây dựng mạng lưới rộng khắp kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh. Xây dựng và ký được quy chế phối hợp công tác với một số bộ có liên quan đến công tác của Hội.
Xin ông chia sẻ niềm vui, kỳ vọng cũng như lời chúc tốt đẹp nhất tới đội ngũ doanh nhân tư nhân của Hội DNTNVN trước thềm năm mới, Xuân Kỷ Hợi!
Tuy kinh tế tư nhân thời gian gần đây phát triển chững lại, chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trong cho phát triển kinh tế, xã hội, nhưng niền vui đã đến và tiếp tục lan tỏa qua mấy chục năm thực hiện chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đó là đã tạo được sự tin cậy của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân tư nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử là động lực quan trọng xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Môi trường xã hội cũng đã có bước cải thiện. Những doanh nhân tư nhân tuân thủ pháp luật, hoạt động có hiệu quả được xã hội tôn vinh.
Nhân năm mới Kỷ Hợi 2019, xin chúc: Đông qua, Xuân tới/Năm mới rộn ràng/Chúc doanh nhân ta/Làm ăn phát đạt!
Trân trọng cảm ơn ông!