24 giờ của 'bố hổ', 'mẹ sư tử' ngoài đời tại Vinpearl Safari
Mỗi năm, công viên bán hoang dã hàng đầu Châu Á này có hàng trăm cá thể thú con ra đời, trong đó có nhiều loài quý hiếm, thú dữ cần được hỗ trợ nuôi dưỡng. Vì thế, những nhân viên chăm sóc động vật tại đây được lên chức bố mẹ nuôi của những người bạn nhí vốn là “chúa tể rừng xanh”.
Ông bố trẻ “đơn thân” của 9 sư tử và hổ
Tờ mờ sớm, khi trời Phú Quốc còn chưa hửng nắng, "ông bố trẻ" Trần Duy Phương (Tổ trưởng chăm sóc động vật tại Vinpearl Safari Phú Quốc) đã đẫm mồ hôi 1 nách 2 bình sữa khổng lồ. "Cữ" đầu tiên là với chú hổ con mới ra đời cách đây ít lâu. Phải mất gần 1 tiếng đồng hồ, thủ tục "ăn sáng" cho vị "chúa sơn lâm" mới xong xuôi. Nhìn đồng hồ, anh Phương đặt vội bình sữa, vội vàng quay sang bên cạnh, lặp lại thủ tục với một sư tử nhỏ đang đòi ăn.
Một ngày của Phương, người nhận nhiệm vụ chăm sóc đồng thời 9 cá thể sư tử và hổ con bắt đầu theo cách không giống bất kỳ ai. Theo lời Phương, "đàn con" có sức ăn bằng vài người lớn mỗi ngày cần khoảng 8 cữ sữa, mỗi lần cách nhau 2-3 tiếng. Trước đó là đầy đủ thủ tục từ massage đến vệ sinh từng bạn, xong xuôi, Phương vào vai "trọng tài", tách riêng từng bạn để không chọc quậy, giành sữa của nhau.
Trong lịch trình một ngày làm việc bận rộn của mình, anh Phương bảo, không chỉ cho ăn, những bé hổ, sư tử tinh nghịch còn có nhu cầu được dành thời gian chơi đùa với bầy đàn, tắm nắng, khám phá thiên nhiên, được dỗ ngủ. Anh cũng nhớ cả những đêm thức trắng vì những cá thể non mới ra đời, sức đề kháng kém, đang chơi vui, đến tối đã rên hừ hừ. Phương và mọi người phải thay nhau túc trực cả đêm để phòng ngừa mọi tình huống. "Do chưa lập gia đình nên anh em trong tổ hay trêu chọc gọi là bố đơn thân", Phương cười hiền.
Chị Trần Thu Nhường - thành viên kỳ cựu của đội chăm sóc động vật Vinpearl Safari cũng không thể quên, một tuần ròng rã đút từng muỗng sữa cho bé sư tử trắng mới sinh tên Dậu. Chú sư tử con không quen với bình, một mực không chịu mút sữa, kể cả khi đã đói mềm.
Thương Dậu, chị Nhường cặm cụi múc từng chút sữa để Dậu làm quen. Cứ như vậy suốt 1 tuần, người và thú mới "hợp tác" được với nhau. Thế rồi, cậu bé bướng bỉnh sau này chỉ nhác thấy bóng quen, nghe tiếng vỗ nhẹ vào đùi là hớn hở leo lên chân chị Nhường, nằm ngửa chờ sữa. Dậu cũng là chú sư tử duy nhất ở Vinpearl Safari có thói quen bú ngửa "đầy hưởng thụ" như thế.
Với anh Phương và chị Nhường, giai đoạn nuôi bộ (nuôi không hoàn toàn bằng sữa mẹ - PV) với đàn thú con tốn nhiều sự kỳ công. Mỗi loại động vật như hổ, sư tử cần một loại sữa khác nhau với cách cho bú phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Suốt những năm tháng đầu đời của thú, ngoài chăm chút về ăn uống, đội ngũ chăm sóc, chuyên gia thú y luôn túc trực để đảm bảo hỗ trợ điều trị kịp thời về sức khỏe lẫn tinh thần cho các cá thể non. Đó là lí do vì sao Vinpearl kỳ công làm nên một Bệnh viện thú y Vinpearl Safari Phú Quốc lớn nhất Đông Nam Á với những chuyên gia thú y, chăm sóc động vật hoang dã hàng đầu trong nước và quốc tế.
Hành trình về với tự nhiên tại "ngôi nhà xanh" Vinpearl Safari Phú Quốc
Hơn 5 năm qua, Vinpearl Safari Phú Quốc nuôi bộ thành công 10 lứa hổ và sư tử khỏe mạnh. Đây là những trường hợp ít ỏi không còn lựa chọn nào khác khi thú mẹ không thể cho con bú vì lứa đẻ quá đông, hay hiếm hoi là những "bà mẹ mãnh thú" quá căng thẳng khi lần đầu sinh nở.
Không dễ để làm được điều này bởi những động vật hoang dã rất khó gần gũi và tiếp nhận sự chăm sóc của con người. Thế nhưng, không gian của Vinpearl Safari Phú Quốc là nơi đặc biệt với trẻ em nhờ môi trường hiếm có, các em có thể làm bạn với những động vật hoang dã gần gũi như tại đây. Các bạn nhỏ có thể tận tay cho ăn, tập cho các bạn thú non uống sữa hay ngắm nhìn cách mọi người chăm sóc, chơi với hổ, sư tử con. Đó là một thiên đường mở mà rất nhiều bé từng được đặt chân tới không hề muốn ra về.
Dẫu vậy, với những con người trực tiếp chăm sóc, thử thách lớn là làm sao giúp những thú non được nuôi bộ phát triển đầy đủ bản năng của những loài thú dữ hoang dã khi trưởng thành. Đó là một công trình vô cùng tỉ mỉ.
Anh Trần Duy Phương lấy ví dụ về những vị chúa sơn lâm nhí, từ tháng thứ 3, khẩu phần cần được bổ sung thịt tươi vào bữa sáng để vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa không làm mất đi "dòng máu" hoang dã của hổ và sư tử. Từ thời điểm này, quá trình chăm sóc thú con đã phải tách bạch giữa hai việc ăn - chơi. Hổ, sư tử ăn thịt ở khu vực riêng và được nghỉ ngơi thoải mái. Sau đó, đúng giờ chơi các nhân viên chăm sóc mới đưa thú ra sân tập vờn, tương tác.
Sau 6 tháng, hổ và sư tử con được ngưng quá trình nuôi bộ và cho ghép thành đàn lớn để hòa nhập với cuộc sống hoang dã. Đây là bước chuyển đặc biệt quan trọng quyết định sự thành công. Những cá thể con được trả về không gian sinh sống rộng lớn, có thiết kế hoàn toàn tương đồng với môi trường sống ngoài tự nhiên.
Đó là nơi không những có bầy đàn, có không gian tự nhiên mà còn đầy đủ chòi, sạp để thỏa thích tập tính leo trèo của từng loài. Riêng với hổ, không gian sống phải gần khu vực rừng có suối để thỏa mãn sở thích ngâm mình trong nước của loài này.
Thức ăn cho hổ và sư tử cũng phải tính toán kỹ lưỡng. Sau 6 tháng, nguồn thức ăn đổi sang thịt tươi nguyên tảng để tất cả tập thói quen giằng, cắn xé con mồi như trong cuộc sống hoang dã. Thỉnh thoảng, xương động vật được bổ sung vào khẩu phần để chúng nhâm nhi, “xỉa” răng sau bữa ăn.
Để khuyến khích hổ vận động và giữ được bản năng săn, vồ mồi tự nhiên, thức ăn được treo lên cao hoặc buộc dây kéo quanh để các thiếu niên mới lớn quen với bản năng chạy, đuổi hay nhảy cao vồ mồi. Riêng với sư tử, nhân viên chăm sóc sẽ giấu những bữa ăn vào các hốc đá hay gốc cây để đàn sư tử hình thành tập tính đánh hơi, kiếm ăn tự nhiên.
Với môi trường tự nhiên, lý tưởng và tiêu chuẩn chăm sóc thú hoàn hảo, từ đầu năm 2020 đến nay, Vinpearl Safari đã chào đón thêm hơn 500 cá thể thú non các loài, trong đó có: Sư tử châu Phi, hổ Bengal, hươu cao cổ, tê giác, linh dương sừng mác… nâng tổng số thành viên vườn thú lên hơn 4.500.
Đây cũng là vườn thú đầu tiên tại Việt Nam được nhận chứng chỉ về đảm bảo điều kiện phúc trạng động vật của Hiệp Hội Vườn thú Đông Nam Á - SEAZA Welfare Cercitification, trong đó, có đóng góp không nhỏ từ tình yêu động vật của những "bố hổ", "mẹ sư tử" như anh Phương, chị Nhường.
Đoàn Linh