3 địa điểm ám ảnh trong Tử Cấm Thành nếu yếu tim bạn không nên tới
Tử Cấm Thành còn được gọi là cố cung, Hoàng Cung của triều đình phong kiến Minh- Thanh. Tử Cấm Thành có diện tích lên đến 720.000 mét vuông, có 9.999 gian phòng. Công trình kiến trúc này được xây dựng dưới thời của Minh Thành Tổ Chu Đệ, từng là nơi ở của tổng cộng 24 vị Hoàng đế, cho tới nay đã có tuổi đời gần 600 năm.
Tử Cấm Thành được chia làm hai khu, gồm Tiền Triều và Hậu Cung, nối với nhau bởi một sân dài. Tiền Triều ở phía nam dành cho các lễ nghi, còn Hậu Cung nằm ở phía bắc, nơi vua và hoàng hậu cùng hoàng thất sinh sống. Trung tâm Hậu cung là ba cung lớn: Càn Thanh cung (nơi vua ở), Giao Thái Điện (nơi giữ 25 loại ấn quan trọng của nhà Thanh) và Khôn Ninh cung (nơi ở của hoàng hậu).
Chữ “Tử” trong từ “Tử Cấm Thành” có nghĩa là màu tím, lấy ý theo thần thoại Tử Vi Tiên. Đây được xem là nơi ở của Thần Mặt trời, trong khi đó, vua được coi là con trời nên nơi ở của vua cũng gọi là “Tử”. “Cấm Thành” là khu cấm dân thường ra vào. Nhìn bề ngoài, nơi này rất bề thế, xa hoa và hầu như ai cũng muốn được bước vào dù chỉ một lần. Để xây dựng xong công trình này, hàng trăm người cũng đã phải bỏ mạng và cũng có rất nhiều vụ ám sát xảy ra đằng sau 4 bức tường thành mà bên ngoài không hề hay biết.
Hơn nữa, không chỉ giới hoàng tộc, đây còn là nơi sinh sống của nhiều phi tần và người hầu, những người sẵn sàng phản bội, hãm hại nhau để tranh giành địa vị, quyền lực. Với lịch sử “đẫm máu” như vậy, không lạ khi có nhiều người đang làm việc ở Tử Cấm Thành cho rằng từng nhìn thấy ma lởn vởn trong hoàng cung. Dù chưa được kiểm chứng nhưng nhiều người cũng tin vào sự xuất hiện của những bóng người đi lại vào mỗi tối trong tòa thành này, dần dần trở thành những giai thoại đầy huyền bí.
Khôn Ninh Cung
Nằm ở điểm cuối cùng trong tam đại điện chính là Khôn Ninh Cung – nơi từng là tẩm cung của Hoàng hậu. Nếu lý giải trên góc độ âm dương bát quái, chữ "Khôn" trong Khôn Ninh cung có thể hiểu là quẻ khôn, tượng trưng cho đất, vốn thuộc âm nguyên.
Giải thích bằng phương pháp chiết tự, "Khôn" để chỉ nữ, "Ninh" là chỉ sự an tĩnh. Như vậy, cung điện này được đặt tên là "Khôn Ninh" với mong muốn đem tới cho các Hoàng hậu Trung Hoa một cuộc sống an tĩnh, yên bình.
Dưới thời nhà Minh, Khôn Ninh cung quả thực từng là nơi ở của các Hoàng hậu. Thế nhưng các vị Hoàng hậu của vương triều ấy chẳng mấy ai có được kết cục tốt đẹp, phần đông trong số họ đều vì bệnh tật mà đoản mệnh.
Khôn Ninh Cung nơi được ví như "tử địa" của các Hoàng Hậu vì những kết cục không tốt đẹp của chủ nhân nơi này
Vào thời điểm Minh triều diệt vong, Hoàng hậu của Sùng Trinh Đế đã tự sát ngay tại Khôn Ninh cung. Giai thoại về cái chết của vị Hoàng hậu Minh triều cuối cùng đã khiến Khôn Ninh cung bị coi là nơi nặng âm khí.
Kể từ đó về sau, các Hoàng hậu Thanh triều vốn không hề ở nơi này. Ngoài Hoàng hậu của vua Khang Hy ra, thì các vị Hoàng hậu của vua Đồng Trị, vua Quang Tự cũng từng sống tại Khôn Ninh cung từ sớm. Vua Đồng Trị và vua Quang Tự còn sống tại đây vài ngày sau ngày cưới nữa.
Trải qua thời gian, Khôn Ninh Cung dần biến thành nơi chuyên dùng để cúng tế. Không gian thanh vắng, không khí vương mùi khói hương lại càng khiến cung điện này thêm phần ly kỳ, huyền ảo.
Diên Hi cung
Trên thực tế, nếu lãnh cung là nơi giam giữ những phi tử mắc trọng tội thì Diên Hi cung lại là nơi dành cho những phi tần không mấy được sủng ái, ngày ngày cửa đóng then cài. Diên Hi cung nằm tại phía Đông Nam của Đông Lục cung.
Thông qua bản đồ hậu cung Tử Cấm Thành thời xưa, Diên Hi cung nằm sát một cửa thành. Vì thế xung quanh nơi đây từ thời xưa đã có nhiều người qua lại, cục diện tương đối phức tạp. Trên thực tế, tẩm cung này vốn là nơi ở của những vị phi tần không được sủng ái, ngày ngày cửa đóng then cài.
Diên Hy Cung là nơi dành cho những phi tần không được sủng ái, lạnh lẽo hơn cả lãnh cung
Từ một số ghi chép lịch sử, Diên Hi cung còn là địa phương thường xuyên xảy ra hỏa hoạn. Vào giai đoạn Thanh triều ngự trị, dưới thời Khang Hi, Gia Khánh, Đạo Quang, Hàm Phong, cung điện đều trải qua vài lần bị cháy.
Cung Diên Hi không chỉ xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng "Diên Hi công lược" mà còn nhiều lần được nhắc tới trong các tác phẩm cung đấu khác, tiêu biểu là "Hậu cung Chân Hoàn truyện".
Thế nhưng ngoài đời thực, cung điện này được cho là địa phương phức tạp, không cát tường. Hầu hết chủ nhân của Diên Hi cung đều không đắc sủng và có kết cục chẳng mấy tốt đẹp.
Giếng Trân phi
Giếng Trân Phi chính là nơi năm xưa Từ Hi Thái hậu bức tử sủng phi của vua Quang Tự. Trân phi không chỉ xinh đẹp, thông minh, tính cách còn rất thẳng thắn, bộc trực, thậm chí nhiều lần đối đầu với Từ Hi Thái hậu.
Vốn đã không vừa mắt người con dâu này, Từ Hi Thái hậu từ sớm đã lên kế hoạch trừ khử Trân phi. Năm 1900, khi đất nước rơi vào cảnh bạo loạn do thất thủ bởi giặc xâm lấn, Hoàng đế lại không có ở kinh thành, Từ Hi đã nhân cơ hội loạn lạc này sai người đẩy Trân phi xuống giếng trước khi chạy trốn giặc ngoại xâm.
Kể từ đó, cái giếng nơi chứng kiến thảm kịch của vị ái phi ấy đã được đặt tên là giếng Trân phi.
Ngày nay, giếng này đã trở thành địa điểm tham quan có tiếng. Thế nhưng có một số lời đồn thổi rằng, những du khách đi qua nơi đây đều cảm thấy có một luồng khí lạnh tỏa ra từ miệng giếng. Thậm chí còn có một câu chuyện rùng rợn xoay quanh giếng Trân phi. Theo đó, ai đi qua giếng này vào ban đêm sẽ nghe thấy tiếng phụ nữ kêu khóc. Mặc dù những lời đồn đáng sợ về giếng này chưa được ai kiểm chứng nhưng những giai thoại nhuốm màu sắc tâm linh huyền bí ấy càng khiến địa điểm này được nhiều người biết tới.
Phong Trần