3 lý do khiến hãng ô tô lớn nhất của Nga lên kế hoạch lắp ráp tại Việt Nam
Lần đầu tiên tham dự triển lãm Triển lãm quốc tế lần thứ 15 về phương tiện giao thông, vận tải và công nghiệp hỗ trợ (Vietnam AutoExpo 2018) diễn ra từ 6-9/6, tại Hà Nội, GAZ - hãng ô tô lớn nhất của Nga đã giới thiệu 5 dòng xe mới để thăm dò thị trường, nguồn tin từ TTXVN cho biết.
Đây là các xe tải bốc dỡ bên hông GAZelle NEXT, xe buýt 19 chỗ ngồi GAZelle NEXT Citiline, xe tải bốc dỡ bên hông GAZelle Business 4x4, hai mẫu xe tải hạng trung GAZon NEXT và Sadko 4x4.
Ông Christian Kremer cũng khẳng định: “Chúng tôi coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng với mức tăng trưởng lớn trong những năm tới. Hiện tại chúng tôi đang tìm hiểu khả năng thành lập liên doanh và bắt đầu bán hàng tại Việt Nam."
Thông qua triển lãm này, GAZ mong muốn nhận được phản hồi của khách hàng để chọn mẫu xe trong số trên 500 kiểu loại xe GAZ phù hợp với thị trường Việt Nam, qua đó, tạo danh mục sản phẩm thích hợp trước khi thâm nhập thị trường mới.
Sau đó, GAZ tiếp tục sẽ giới thiệu xe tải hạng nặng URAL, xe buýt hạng trung và hạng lớn bao gồm các phiên bản xe chạy khí nén (CNG) và nhiều loại xe khác đến thị trường Việt Nam.
Bà Kristina Dubinina, Giám đốc bán hàng khu vực châu Á của GAZ cho hay sau khi đón nhận những phản hồi từ khách hàng tham quan triển lãm, trước mắt GAZ sẽ sớm thâm nhập thị trường thông qua kênh phân phối sản phẩm, sau đó sẽ có kế hoạch cụ thể để có thể lắp ráp các mẫu xe này tại Việt Nam.
Dưới đây là 3 lý do GAZ khiến lên kế hoạch lắp ráp tại Việt Nam:
Tận dụng ưu đãi từ Nghị định thư giữa hai Chính phủ Nga, Việt
Cuối tháng 12/2017, đại diện cho chính phủ hai nước Việt Nam và Liên bang Nga đã ký kết Nghị định thư sửa đổi về việc hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nga (KAMAZ, GAZ, UAZ...) sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe từ 10 chỗ trở lên, xe địa hình và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam.
Việt Nam sẽ cho phép GAZ cũng như các đối tác liên doanh khác của Nga được nhập khẩu miễn thuế 2.550 xe nguyên chiếc và 13.500 bộ phụ tùng lắp ráp ô tô trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022 để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường.
Giúp GAZ và các đối tác liên doanh khác của Nga có thời gian tìm hiểu và thâm nhập thị trường Việt Nam cũng như tạo các cơ hội lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng Việt Nam.
Nghị định thư sửa đổi cũng tạo điều kiện để GAZ và các đối tác liên doanh khác của Nga hợp tác sản xuất xe tải và xe buýt tại Việt Nam thông qua việc lùi thời gian sử dụng hạn ngạch thuế quan để miễn thuế nhập khẩu các phương tiện vận tải nguyên chiếc và bộ linh kiện bắt đầu từ đầu năm 2018.
Thị trường tiềm năng của Việt Nam trong giai đoạn dân số vàng
Đây là nhận định của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (IPSI), Bộ Công Thương vừa đưa ra trong khuôn khổ Vietnam AutoExpo 2018.
IPSI dự báo thị trường ô tô Việt Nam có thể đạt 800.000 ô tô trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2035. Sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu - những khách hàng tiềm năng của dòng xe cá nhân tại Việt Nam sẽ tạo ra con số tăng trưởng tiêu thụ xe đạt mức 22,6%/năm trong giai đoạn 2018-2025 và đạt khoảng 18,5%/năm trong giai đoạn 2025-2035.
Chính Giám đốc bán hàng khu vực châu Á của GAZ cũng thừa nhận tại Vietnam AutoExpo 2018: Việt Nam là thị trường mục tiêu có tiềm năng cao, thị trường xe ô tô có xu hướng tăng trong những năm tới, kể cả phân khúc chuyên chở hàng hóa. Dung lượng toàn thị ô tô Việt Nam năm 2018 sẽ đạt 252.485 xe, năm 2020 đạt 272.861 xe, năm 2020 đạt gần 380.000 xe và đến năm 2024 sẽ đạt gần 580.000 xe. Cùng với Thái Lan và Indonesia, Việt Nam sẽ là thị trường mục tiêu xuất khẩu trước mắt của GAZ trong khu vực ASEAN.
GAZ có cơ hội thâm nhập thị trường các nước thành viên CPTPP
Cơ hội này đã được Thứ trưởng Bộ Phát triển Nga, ông Alexei Likhachev đưa ra từ cuối năm 2015, khi quá trình thảo luận sâu về cơ hội mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà hiện nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể đem lại sau khi ký kết.
Theo đó, ông Alexei Likhachev cho rằng Hiệp định này sẽ mở đường cho ô tô của Nga có cơ hội tràn vào thị trường các nước thành viên CPTPP, thông qua bàn đạp mở nhà máy lắp ráp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, nếu các nhà máy ô tô Nga mở ở Việt Nam, phải có tỷ lệ nội địa hóa cao và đây sẽ là một trong những khó khăn cho ô tô Nga khi muốn xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP.
Hiện GAZ có 13 cơ sở sản xuất ở Nga cùng các nhà máy lắp ráp ở Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan với trên 500 chủng loại xe, gồm xe du lịch, xe tải, xe buýt, xe quân sự và xe đặc chủng; xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia ở khắp các châu lục.
Thực hiện thành công kế hoạch lắp ráp tại Việt Nam, thời gian tới, thị trường tiêu thụ của GAZ sẽ không chỉ dừng lại ở khu vực Đông Nam Á.