3 năm, Tổng cục Hải quan giảm 4.403 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành
Theo đó, các bộ quản lý chuyên ngành đã rà soát, cắt giảm các mặt hàng chồng chéo, cùng lúc chịu nhiều hình thức quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan. Chuyển thời điểm kiểm tra chuyên ngành từ giai đoạn trong thông quan sang sau thông quan.
Quy định cụ thể đối tượng miễn kiểm tra chuyên ngành và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực: Kiểm tra nhà nước về chất lượng; kiểm tra điều kiện đối với phế liệu; kiểm dịch động vật; kiểm tra hiệu suất năng lượng; kiểm tra an toàn thực phẩm. Xây dựng, ban hành Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành kèm mã HS.
Các bộ, ngành đã tích cực thực hiện điện tử hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đồng thời tham gia Cơ chế một cửa quốc gia, áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành.
Để tăng cường nguồn lực kiểm tra chuyên ngành, Bộ Tài chính đã nâng cấp Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu thành Cục Kiểm định thuộc Tổng cục Hải quan.
Hiện Tổng cục Hải quan cũng đang hoàn thiện đề án trình Thủ tướng Chính phủ cho phép cơ quan hải quan tham gia thí điểm thực hiện kiểm tra chuyên ngành.
Theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, quý 2/2015 có 82.760 mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành, đến quý I/2018 còn 78.390 mặt hàng (giảm 4.403 mặt hàng).
Trong đó, Bộ Công Thương cắt giảm gần hết Danh mục hàng phải kiểm tra nhà nước về chất lượng trước thông quan, chuyển thời điểm kiểm tra hàm lượng formaldehit đối với các sản phẩm dệt may sang sau thông quan.
Bộ Khoa học Công nghệ đã cắt giảm 91% số mặt hàng phải kiểm tra nhà nước về chất lượng trước thông quan.
Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP nhằm thay đổi căn bản phương pháp quản lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, giảm 95% mặt hàng không phải kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu.
Số tờ khai (lô hàng hóa) nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu năm 2015 khoảng 30% đã giảm xuống còn 19,4% trong năm 2017.
Tuy nhiên, theo bà Mai, công tác kiểm tra chuyên ngành còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Đó là, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn (năm 2017, số tờ khai (lô hàng hóa) nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành so với tổng số lô hàng nhập khẩu làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu chiếm 19,4%).
Văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành nhiều, phạm vi quản lý và kiểm tra rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra; còn quy định chồng chéo một hàng hóa phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do cùng một bộ hoặc nhiều bộ quy định. Việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn chậm.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo bà Mai, là do kiểm tra chuyên ngành thực hiện chủ yếu bằng phương thức thủ công, chưa áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý rủi ro; chưa áp dụng việc công nhận kết quả kiểm tra; chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận xử lý hồ sơ, trao đổi dữ liệu về kiểm tra chuyên ngành; chưa xây dựng cơ sở dữ liệu phân tích thông tin, đánh giá mức độ rủi ro của doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa.
Nguồn lực thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu còn thiếu và còn yếu.
“Một số bộ đã ban hành văn bản bãi bỏ danh mục hoặc chuyển thời điểm kiểm tra mặt hàng thuộc quản lý từ giai đoạn kiểm tra trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan song vẫn quy định doanh nghiệp phải nộp chứng từ cho cơ quan hải quan để thông quan hàng hóa”, bà Mai nói.