3 nguyên tắc quản lý công việc bất di bất dịch của một chuyên gia đàm phán hợp tác quốc tế

22:12 | 16/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiểu sâu về luật pháp và có kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc với các cơ quan, tổ chức quốc tế, ông Nguyễn Quý Quyền là chuyên gia phụ trách đàm phán, ký kết và triển khai việc thực hiện các Hiệp định FTA.

Công tác tại Bộ TT&TT với chức vụ chuyên viên vụ Hợp tác Quốc tế, hơn 20 năm làm việc với các cơ quan, tổ chức quốc tế, ông Nguyễn Quý Quyền đã tham gia đàm phán nhiều Hiệp định FTA. Ông là một trong hai đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia Ban Điều hành Nhóm tư vấn phát triển viễn thông và CNTT cho các nước đang và kém phát triển (TDAG) của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và giữ vai trò Phó Chủ tịch.

Ông Quyền có 2 nhiệm kỳ liên tiếp được bầu làm Phó Chủ tịch Nhóm nghiên cứu số 1 thuộc lĩnh vực ITU-D (Lĩnh vực Phát triển) của ITU. 

Trong suốt 10 năm công tác tại Bộ TT&TT, ông Quyền là người đã trực tiếp xây dựng phương án và tham gia đàm phán nhiều Hiệp định FTA quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà sau này đổi tên thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA song phương với EU (EVFTA), FTA song phương với Hàn Quốc, FTA song phương với Khối Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU FTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện mở rộng ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...

3 nguyên tắc quản lý công việc bất di bất dịch của một chuyên gia đàm phán hợp tác quốc tế - ảnh 1

Với bề dày kinh nghiệm cùng những thành tích đã đạt được, ông Quyền được biết đến như một chuyên gia đàm phán hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Để có được thành công đó, anh tự đặt ra KPI cho bản thân và các nguyên tắc bất di bất dịch trong quá trình chuẩn bị tài liệu cũng như đàm phán. 

Nguyên tắc 1: Mệt đến mấy, cán bộ đàm phán cũng không được mất tỉnh táo

Mỗi buổi đàm phán thường bắt đầu từ 9h sáng đến 6h tối. Song đến giai đoạn phải chốt phương án để ký kết các hiệp định, việc đàm phán có thể diễn ra từ 8 giờ sáng cho tới tận 1 - 2h đêm. Trong quá trình đàm phán, nhiều nước sử dụng biện pháp kéo dài cuộc họp xuyên đêm như một cách đánh đòn tâm lý. Đây là những khoảnh khắc vô cùng khó khăn với người làm công tác đàm phán như ông Quyền.

Ông chia sẻ: ““Lĩnh vực thông tin và truyền thông có một số vấn đề nhạy cảm đòi hỏi người đàm phán phải hết sức thận trọng, không được phép mất cảnh giác. Do đó, có một nguyên tắc bất di bất dịch là nếu “ở nhà” chưa thông qua, dù mệt đến mấy, cán bộ đàm phán của ta cũng không thể đồng ý được”. 

Ví dụ, trong lĩnh vực thương mại điện tử (E-Com), các FTA thế hệ mới thường có nội dung liên quan đến tự do lưu chuyển thông tin qua biên giới, trong đó có việc xóa bỏ điều kiện đặt máy chủ trong nước như một điều kiện kinh doanh. Đây là một vướng mắc do có điểm khác biệt với chủ trương, chính sách của Việt Nam, đặc biệt là với các thông tin xuyên biên giới liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

3 nguyên tắc quản lý công việc bất di bất dịch của một chuyên gia đàm phán hợp tác quốc tế - ảnh 2

Khi có mâu thuẫn trên bàn đàm phán, công việc của những người như ông Quyền là phải giải thích cho đối tác hiểu vướng mắc của Việt Nam trong vấn đề này. Nếu không cho Việt Nam một ngoại lệ thì rất khó để chúng ta đồng ý. Trước quan điểm cứng rắn của Việt Nam, cuối cùng các nước đã phải chấp nhận. 

Nguyên tắc 2: Người đàm phán phải nắm rất rõ về hành lang pháp lý 

Trong quá trình đàm phán, mọi thông tin đưa ra đều phải có cơ sở pháp lý rõ ràng, từ đó mới đưa ra quan điểm. Người đàm phán không được đơn thuần chỉ nói “không”, phải luôn có lý do giải thích công khai và thuyết phục. Đây là cách giảm bớt bức xúc cho phía đối tác. 

Trước khi lên bàn đàm phán, ông Quyền phải phụ trách việc xây dựng phương án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tham gia đàm phán rồi cuối cùng là báo cáo kết quả và xin ý kiến chỉ đạo.

Sau khi đàm phán xong các hiệp định, anh Quyền lại tiếp tục phối hợp trực tiếp với Bộ Công Thương - Bộ chủ trì đàm phán các Hiệp định FTA để hoàn thiện hồ sơ, tài liệu và thủ tục phê chuẩn hoặc phê duyệt. Sau khi Hiệp định có hiệu lực, ông Quyền còn trực tiếp xây dựng kế hoạch thực thi, bao gồm cả công tác thông tin tuyên truyền và tập huấn cho các bên liên quan về nội dung cam kết. 

Đôi lúc, có vài Hiệp định FTA được tiến hành đàm phán song song. Với những trường hợp này, lãnh đạo Bộ TT&TT phải cử người khác đi thay, tuy nhiên phương án đàm phán vẫn do anh Quyền đảm trách.