33 tội danh các chủ doanh nghiệp phải khắc cốt ghi tâm
Thoạt trông, Bộ luật Hình sự mới có vẻ "khốc liệt" với doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp khi quy định rõ tới 33 tội danh của pháp nhân thương mại.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân TPHCM, chia sẻ trong buổi Hội thảo "Loại bỏ rủi ro hình sự, doanh chủ cần làm gì" mới đây, sự thật ngược lại.
Ông Long cho biết, Bộ luật Hình sự mới của Việt Nam lần đầu tiệm cận quốc tế. Những nội dung nêu ở đầu bài đã có từ lâu trong bộ luật hình sự các nước trên thế giới. Một bộ luật càng rõ ràng và chi tiết sẽ càng giúp pháp nhân thương mại và doanh chủ ít phạm sai lầm hơn, bỏ bớt đi những khoản mờ.
"Tuy nhiên, sở dĩ tôi phải nhấn mạnh việc, nếu các doanh chủ không quan tâm đủ đến những luật hình sự mới có thể phải trả giá. Bởi, chúng không giống cách chúng ta hành xử trong làm ăn suốt hơn 30 năm qua. Mà thói quen là một thứ rất đáng sợ!", ông Long nói.
Theo giải thích của ông Long, trong Luật Hình sự mới có nhiều chủ thể, điều luật và quy phạm mới, song chúng cũng hết sức rõ ràng, khi ghi thẳng tên rất nhiều tội danh trong kinh doanh, nếu chúng ta nhận diện đầy đủ, sẽ loại trừ được rất nhiều rủi ro.
Để giúp các doanh chủ phần nào hiểu một cách tương đối những điểm quan trọng cần chú ý trong Luật Hình sự mới, ông Long đã làm rõ vài khái niệm cũng như chỉ ra những điều luật nào các doanh chủ phải đặc biệt chú ý như sau:
Pháp nhân thương mại được định nghĩa đơn giản là một pháp nhân có mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận rồi chia cho các thành viên. Không bao gồm các cơ quan nhà nước cùng với các đoàn, đội, hội… có tính chất xã hội. Chúng được gọi là pháp nhân phi thương mại.
Chủ thể mới: Pháp nhân thương mại (doanh nghiệp) và con người thực hiện công việc (doanh chủ và đồng sự). Bây giờ, tội tham nhũng, hối lộ và môi giới hối lộ không còn dành riêng cho khu vực công mà đã chuyển sang khu vực tư. Chính phủ Việt Nam đang thực hiện một phần công ước quốc tế, giúp minh bạch hơn trong môi trường kinh doanh.
Cụ thể, trước đây, các CEO được thuê, nếu có lỡ tham ô ngân quỹ của công ty, sẽ được giải quyết bằng cách thỏa thuận trả lại tiền hoặc cách nào đó, chứ ít bị đưa ra tòa. Nhưng bây giờ ngược lại, CEO đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật, có thể bị tù tội.
Về hối lộ, không những hối lộ vật chất như tiền, tài sản, xe cộ, du lịch… bị xử lý hình sự, mà phi vật chất cũng thế. Ví dụ, trước đây, hối lộ tình dục chỉ bị phê phán về mặt đạo đức và không có chế tài thỏa đáng để xử lý. Những bây giờ, hành vi đó phải chịu trách nhiệm hình sự. Các tú bà môi giới, không đi tới trại phục hồi nhân phẩm, mà có thể phải vào tù.
Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại có 33 tội danh, chia ra 4 cụm chính: buôn lậu – thương mại, thuế - hóa đơn – chứng từ, chứng khoán – bảo hiểm, rửa tiền – tài trợ khủng bố. Thế nên, bắt đầu từ năm 2018, nếu thấy có bất cứ khoản tiền nào không minh bạch trong tài khoản của doanh nghiệp, các ông chủ cần phải kiểm tra cẩn thận.
Trong 33 tội danh của pháp nhân thương mại, các doanh chủ cần lưu ý đến các điều sau:
Điều 324 – Tội rửa tiền. Các pháp nhân thương mại phải chứng minh tiền có trong tài khoản của mình là hợp pháp, tức có nguồn gốc rõ ràng, nếu không sẽ bất hợp pháp, không có cái ở giữa.
Điều 235 – Tội gây ô nhiễm môi trường ghi thẳng theo công ước Stockholm. Nếu pháp nhân thương mại nào chôn lấp hoặc xả chất thải gây hại tới môi trường từ 1.000kg đến 3.000kg sẽ chịu trách nhiệm hình sự (sẽ tính trên tổng số thời gian doanh nghiệp đã làm và thực hiện).
Điều 209 - Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán và bảo hiểm.
Điều 216 - Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Điều 217, 225 và 226 – Tội vi phạm quy định về cạnh tranh, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, âm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Một điều lưu ý nữa là về tội danh đồng phạm. Đồng phạm có thể giữa pháp nhân thương mại - pháp nhân thương mại, pháp nhân thương mại – cá nhân, cá nhân – pháp nhân thương mại. Đây là một tội danh mà các doang nghiệp rất hay vô ý mắc phải.
Ông Long cho rằng, các doanh chủ cần phải nhận thức đúng tầm quan trọng của sự việc, phải vô cùng tỉnh táo, đo lường được rủi ro, trước khi ra bất cứ một quyết định dù nhỏ nào.
Minh Hoa (theo TheLeader)