4 dự án giao thông lớn gần 30.000 tỷ đồng dự kiến khởi công năm 2022 ở phía Nam

Phương Trang 07:00 | 07/02/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, cầu Rạch Miễu 2,... là những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm phía Nam có tổng vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng sẽ được khởi công trong năm 2022.

Trong năm 2022, 4 dự án hạ tầng giao thông lớn tại phía Nam có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng sẽ được khởi công. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có tổng mức đầu tư lên tới hơn 16.200 tỷ đồng.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hơn 16.200 tỷ đồng

Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương tổng chiều dài hơn 200 km, được chia thành ba đoạn để đầu tư. Tỉnh Lâm Đồng thực hiện hai đoạn gồm đoạn Tân Phú - Bảo Lộc (dài 66,3 km) nằm trên địa phần hai tỉnh Lâm Đồng - Đồng Nai và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương (dài 73,9 km) nằm hoàn toàn trên địa phần tỉnh Lâm Đồng.

Còn đoạn Dầu Giây - Tân Phú (dài 60,1 km) nằm trên địa bản tỉnh Đồng Nai do Bộ GTVT phụ trách.

Hướng tuyến cao tốc Dầu Giây- Liên Khương được chia làm ba đoạn để đầu tư. (Đồ họa: Thanh niên).  

Trong cuộc họp hồi cuối tháng 12/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và đối tác liên quan triển khai nhanh nhất các thủ tục pháp lý sớm khởi công hai dự án qua tỉnh Lâm Đồng trong năm 2022. Riêng đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu khởi công vào tháng 10/2022.

Cụ thể, tuyến Tân Phú - Bảo Lộc có quy mô 4 làn xe và chiều dài 66,3 km, trong đó có 11 km đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 16.220 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 6.500 tỷ đồng, hoàn vốn trong hơn 20 năm.

Đối với tuyến Bảo Lộc - Liên Khương dài 73,5 km sẽ được đầu tư với 4 làn xe, chiều rộng 17m ở giai đoạn 1, giai đoạn hoàn thiện nền đường tuyến cao tốc sẽ tăng lên 24,7m. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ hơn 11.300 tỷ đồng, theo phương thức PPP.

Cầu Rạch Miễu 2 gần 5.200 tỷ đồng

Cầu Rạch Miễu 2 kết nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre nằm trong quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia và quy hoạch của các địa phương đã được phê duyệt.

Việc xây dựng cầu nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trên tuyến quốc lộ 60, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung.

Cầu Rạch Miễu 2 nằm cách cầu Rạch Miễu hiện tại khoảng 3,8 km về phía thượng lưu, phần cầu chính vượt sông Tiền nằm trên đoạn tuyến thẳng.

Dự án có chiều dài 17,6km, điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (nút giao giữa Quốc lộ 1 với Đường tỉnh 870) thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Điểm cuối tại Km16+660 Quốc lộ 60, cách mố phía Bắc cầu Hàm Luông khoảng 0,71km thuộc địa phận TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Cầu Rạch Miễu 2 bao gồm cầu vượt luồng chính sông Tiền và cầu vượt sông Mỹ Tho. Bề rộng cầu thiết kế 4 làn xe cơ giới. Phần đường thiết kế tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.

Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công xây dựng vào quý I/2022, thực hiện theo hình thức đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách Trung ương.

Tổng mức đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 1.279 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị hơn 3.000 tỷ đồng; còn lại là chi phí quản lý dự án, dự phòng và chi phí khác...

Đường nối An Giang - Cần Thơ hơn 1.700 tỷ đồng

Vào ngày 18/1 vừa qua, tỉnh An Giang đã chính thức tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên (gọi tắt là tuyến tránh TP Long Xuyên) đi qua địa phận tỉnh An Giang và Cần Thơ.

Dự án có chiều dài 15,3 km và đoạn nâng cấp cải tạo QL80 dài khoảng 2 km. Trong đó có 800 m trên địa bàn TP Cần Thơ và 16,5 km trên địa bàn An Giang. Dự án làm đường rộng 12 m cho hai làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Tuyến đường tỉnh 922 tại TP Cần Thơ đang trong quá trình thi công xây dựng. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN).  

Trên tuyến có 16 cây cầu, cùng hệ thống thoát nước, chiếu sáng và điểm đầu của dự án kết nối với đường dẫn vào cầu Vàm Cống, điểm cuối kết nối với QL91 thuộc phường Bình Đức, TP Long Xuyên.

Tổng mức đầu tư của dự án 2.107 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Thời gian thi công đến cuối năm 2023 hoàn thành.

Công trình khi hoàn thành giúp giảm ùn tắc, tai nạn và cho xe chạy thông suốt trên QL91, đoạn qua TP Long Xuyên. Tuyến đường cũng góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Ba dự án giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất

Trong năm 2022, TP HCM cũng sẽ khởi công ba dự án gồm mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, đường Công Hòa và xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa nhằm giảm kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong số ba dự án, dự án được kỳ vọng nhất là đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa dài 4 km, vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng kết nối nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến khởi công vào quý II năm nay.

Công trình làm đường rộng từ 25 - 48 m cho 6 làn xe. Đồng thời, xây hai hầm chui tại giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn (dài 42 m, 2 làn xe) và nút giao Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (dài 35 m, 2 làn xe). Dự án còn làm một cầu vượt trước ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dài gần 1 km cho 4 làn xe.

Trong khi đó, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám thực hiện từ đoạn qua cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa, dài hơn 780 m, rộng 22 m. Dự án được phê duyệt tháng 10/2016 với tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 170 tỷ đồng.

Dự án cải tạo đường Cộng Hòa, đoạn từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến Thăng Long, dài 134 m, mở rộng 14-19 m phía bên phải đường Cộng Hoà. Công trình được duyệt cách đây 5 năm với mức đầu tư gần 142 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 114 tỷ đồng.