4 kiến nghị để hiện thực hoá chiến lược 'Make in VietNam 2045'
Để hiện thực hóa chiến lược này, có 5 lĩnh vực Việt Nam cần phải làm chủ: (1) Đường truyền internet vệ tinh; (2) Bản quyền thiết kế bo mạch, tự chủ sản xuất các thiết bị đầu cuối: Điện thoại thông minh, máy tính cá nhân, các thiết bị kết nối, fireward, thiết bị IoT, Camera giám sát, UAV; (3) Bản quyền thiết kế bo mạch sản xuất thiết bị lưu trữ và máy chủ (Server); (4) Chip, bán dẫn: Chính phủ đã Ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050; và (5) Kiến tạo nền tảng công nghệ mềm: Trí tuệ nhân tạo (AI); Chuỗi khối (Blockchain), Bigdata, Cloud.
Các vấn đề doanh nghiệp tiên phong làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền, kiến tạo sản phẩm công nghệ cao “Make in Vietnam” đang gặp phải là: thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao, thiếu vốn đầu tư nghiên cứu thiết kế, thử nghiệm, sản xuất. Do các linh kiện, phụ kiện đều phải nhập khẩu, số lượng sản xuất sản phẩm qui mô nhỏ chưa thể cạnh tranh về giá thành với thiết bị nhập khẩu tương đương về chất lượng theo chuẩn quốc tế. Vì vậy sản phẩm như: điện thoại thông minh, máy tinh “Make in Vietnam” sản xuất ra chưa tiêu thụ được tại thị trường Việt Nam.
Để kiến tạo, nuôi dưỡng, phát triển ngành công nghiệp nền tảng có năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045), tôi có 4 kiến nghị gửi tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước:
Xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp lý về ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; công nghệ nền tảng mềm về AI, Blockchain…
Ban hành chính sách đột phá hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền, bảo hộ tiêu dùng sản phẩm công nghệ cao “Make in Việt Nam”.
Xây dựng Quỹ đầu tư công nghệ cao của Nhà nước để đầu tư cùng với doanh nghiệp vào các dự án trọng điểm nghiên cứu thiết kế, chế tạo, thử nghiệm sản phẩm công nghệ cao “Make in Việt Nam”.
Nhà nước đặt hàng, là khách hàng ứng tiền (có điều kiện) cho doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế, sản xuất các thiết bị công nghệ cao đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng thay thế cho các sản phẩm phải nhập khẩu.
Dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, tôi tin tưởng doanh nghiệp công nghệ nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung với trí tuệ Việt Nam, khát vọng vươn lên làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền, với phương châm “Sáng tạo - Kết Nối - Chia sẻ”, nghiên cứu sản xuất thành công những sản phẩm công nghệ cao “Make in Vietnam 2045”, góp phần từng bước kiến tạo Việt Nam thành một trong các cường quốc về công nghệ trong kỷ nguyên số hóa toàn cầu.
TS. Nguyễn Đình Thắng
Ủy viên BCH TW Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam,
Chủ tịch Công ty Công nghệ Hồng Cơ, Phó Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Xelex