4 phương pháp để trở thành một nhà lãnh đạo có tầm mà vẫn cân bằng được cuộc sống cá nhân
Một nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể đứng trên bờ vực của việc tàn phá bản thân và các mối quan hệ cá nhân nếu không có kế hoạch hiệu quả để cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Theo chuyên gia của Harvard Business Review, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường bị chìm đắm vào sự phấn khích khi đạt được điều mà ít người nghĩ rằng có thể từ đó dần dần bị kéo đi bởi guồng công việc bận bịu. Với những yêu cầu cao, vai trò lãnh đạo có thể chiếm lấy cuộc đời của bạn, hủy hoại các mối quan hệ gia đình, yêu đường, bạn bè và vào thời điểm bạn nhận ra thì thường đã là quá muộn.
Để trở thành một nhà lãnh đạo thành công đòi hỏi năng lượng mạnh mẽ, sự gan dạ và dũng cảm. Vai trò lớn này bao gồm hàng loạt những lựa chọn khó khăn và sự đánh đổi ở nhiều mặt. Bạn sẽ phải hy sinh nhiều thứ và không có công thức kỳ diệu nào để khiến mọi thứ đều hoàn hảo. Nhưng những bí kíp duy trì mối quan hệ giữa công việc và đời tư ở trong tình trạng hợp lý dưới đây sẽ giúp cuộc sống của nhà lãnh đạo dễ thở hơn rất nhiều.
Hình dung rõ ràng kết quả mong muốn trong cả sự nghiệp và cuộc sống cá nhân
Bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng sẽ phải có tầm nhìn rõ ràng về những gì mà doanh nghiệp của bạn sẽ đạt được trong tương lai. Tầm nhìn đó phải sống động, đầy tham vọng và đủ chân thực để truyền cảm hứng cho những nhân viên cấp dưới. Một nhà lãnh đạo phải đóng vai trò như một thông dịch viên, giúp mọi người hiểu điều gì khiến doanh nghiệp của bạn khác biệt và tốt hơn.
Hình ảnh minh họa
Điều tương tự cũng nên được áp dụng cho cuộc sống cá nhân. Các nhà lãnh đạo cần dành thời gian suy nghĩ cẩn thận về những gì bạn muốn đạt được vào cuối sự nghiệp - cho chính bạn, những người thân yêu và doanh nghiệp của bạn.
Điều này đặc biêt quan trọng trong thời điểm khó khăn.
Bạn có thể viết một lá thư cho tương lai của mình hoặc quay video về câu chuyện của bạn. Cũng giống như bạn phát triển bản đồ lộ trình cho tổ chức, hãy vạch ra các sự kiện quan trọng, có thể dự đoán được trong cuộc sống - sinh nhật, con bạn vào đại học,... mà bạn sẽ không muốn bỏ lỡ.
Những điều này sẽ giúp bạn xác định các ranh giới mà bạn sẽ cần đặt. Lên lịch kiểm tra định kỳ để xem liệu những kết quả đó có còn thực tế và đáng để theo đuổi hay không. Không có lý do gì để trở nên giáo điều hoặc thiếu linh hoạt, đặc biệt nếu bối cảnh nghề nghiệp hoặc cá nhân đã thay đổi đáng kể.
Thảo luận về vai trò của bạn với sự thận trọng và cẩn thận
Cân bằng giữa công việc và cuộc sống là một việc khó khăn nên bạn không thể - và không nên - làm công việc này một mình. Hãy dành thời gian nói chuyện với những người thân yêu của bạn về ý nghĩa của vai trò lãnh đạo này đối với bạn và lý do bạn quyết định đảm nhận vai trò đó. Hãy thẳng thắn chia sẻ về những khó khăn và xem xét các tình huống có khả năng ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng các nghĩa vụ cá nhân của bạn - ví dụ như khi doanh nghiệp khủng hoảng hoặc có một giao dịch M&A lớn.
Hình ảnh minh họa
Điều này sẽ giúp bạn tạo ra nhận thức và hiểu biết nhiều hơn giữa những người bạn quan tâm với công việc. Hãy xin lời khuyên và nhận xét của họ để cải thiện bản thân
Xây dựng khả năng tự phục hồi
Kế hoạch cá nhân của bạn nên bao gồm các khoản đầu tư vào khả năng phục hồi sau một thất bại hoặc một cú sốc. Điều hiển nhiên liên quan đến sức khỏe và hạnh phúc của chính bản thân bạn. Khả năng phục hồi có thể đến từ việc được bao quanh bởi những người có năng lực, động lực và tích cực. Đồng thời hãy chủ động tạo ra mạng lưới những người luôn ủng hộ bạn để có thể chia sẻ, cả ở cơ quan và ở nhà.
Hình ảnh minh họa
Xây dựng khả năng tự phục hồi cao hơn có nghĩa là bạn có nhiều khả năng sống khỏe mạnh, có cơ sở và hạnh phúc hơn, điều này sẽ giúp bạn đưa ra quyết định hợp lý và hành động phù hợp với giá trị của mình.
Áp dụng tư duy liên tục tái tạo
Là một giám đốc điều hành, bạn sẽ phải đối mặt với số lượng yêu cầu ngày càng tăng và bạn sẽ dễ gặp khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ giống nhau với cùng một người. Bạn sẽ sớm bị choáng ngợp, kiệt sức và buồn chán.
Hình ảnh minh họa
Để ngăn chặn tình trạng kiệt sức đó, điều quan trọng là phải tập trung vào các hoạt động quan trọng nhất và khám phá các cách thực hiện chúng hiệu quả hơn. Điều đó có thể bao gồm việc áp dụng các giải pháp công nghệ hoặc ủy quyền. Trong mọi trường hợp, nó đòi hỏi phải tạo ra một tư duy liên tục tái tạo và cam kết khuyến khích những người khác làm điều tương tự. Hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau đây:
Tôi vẫn nên thực hiện hoạt động hoặc nhiệm vụ này chứ? Nếu không, ai có thể giúp tôi làm điều đó?
Tôi đang đưa ra các quyết định tốt không? Tôi có thể trao quyền tự giải quyết cho người khác tới mức nào?
Những cách ủy thác và nguồn lực nào khác sẽ giúp tôi giải phóng thời gian suy nghĩ và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên cao hơn?
Nếu tôi là một người ngoài tham gia vào vai trò này, tôi sẽ làm gì?
Tôi đang sử dụng thế mạnh của mình như thế nào để giải quyết những thách thức trước mắt?
Tôi có thể giảm thiểu những thành kiến nào trong suy nghĩ và hành vi của mình?
Tôi đang học được gì tại nơi làm việc có thể giúp ích cho tôi và những người khác ở nhà, và ngược lại?
Việc áp dụng tư duy đổi mới và tiếp cận vấn đề với sự tò mò sẽ giúp các nhà lãnh đạo học hỏi thêm được rất nhiều thứ. Điều này cũng sẽ có thể mang lại lợi ích cho bạn ngoài vấn đề công việc, khi bạn muốn bản thân và những người thân yêu cùng đánh giá lại các mục tiêu, nguyện vọng và kế hoạch.
Thanh Thùy