41% doanh nghiệp đã từng hưởng ít nhất một lợi ích từ EVFTA

Trang Mai 11:53 | 10/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Trong 2 năm qua, Hiệp định đã đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích, đặc biệt là thuế quan trong công tác xuất khẩu.

 

Hai năm đầu thực thi Hiệp định EVFTA vừa qua là khoảng thời gian kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng phải đối mặt với những biến động chưa từng có, từ dịch bệnh COVID-19, đứt gãy các chuỗi cung ứng, đến xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng năng lượng, lương thực...

Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo “Đánh giá hai năm thực thi Hiệp định EVFTA tại Việt Nam từ góc nhìn doanh nghiệp” diễn ra sáng 10/11 tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay các số liệu thống kê vĩ mô chỉ ra rằng EVFTA đã góp một phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi, và giúp quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU phát triển khả quan. 

 Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mai Trang

Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu với EU tăng bình quân 12%/năm

Với những yếu tố thuận lợi như: Việt Nam và EU có tính bổ sung cao về cơ cấu mặt hàng và gần như không có tính cạnh tranh; Cam kết cắt giảm thuế quan sâu (EU xóa bỏ ngay tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU và 99,7% sau 7 năm); Đồng thời các doanh nghiệp đã dần thích nghi, tận dụng được những ưu đãi thuế quan của Hiệp định, sau 2 năm, thương mại song phương Việt Nam - EU đã đạt nhiều kết quả tích cực. 

Về thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU hai năm đầu thực thi (8/2020–7/2022) đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn tới 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019 trước đó. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022. 

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), FDI của EU vào Việt Nam năm 2020 đạt gần 1.376 triệu USD vốn đăng ký, giảm 8,6% so với 2019, đứng thứ 8 và chiếm 4,8% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Năm 2021, tình hình có cải thiện hơn, với tổng vốn hơn 1.405 triệu USD, tăng 2,2%, giúp EU vươn lên đứng thứ 5 nhưng tỷ trọng trong tổng FDI giảm nhẹ, chiếm 4,5%. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư bình quân năm giai đoạn 2017-2021 (giai đoạn sau khi EVFTA hoàn tất đàm phán) tăng 86% so với thời gian 2015-2016 liền trước đó. Tuy nhiên, đầu tư vào Việt Nam mới chỉ chiếm một tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng đầu tư ra nước ngoài của EU (0,35% năm 2021).

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, EVFTA đã góp phần đáng kể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác. Cụ thể, trong 2 năm thực thi Hiệp định này, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sang thị trường EU.  

 Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang EU. Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ báo cáo

Chia sẻ với phóng viên, bà Trang cho biết: “Xuất khẩu của nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU và Hoa Kỳ tận dụng khá tốt các cơ hội mà hiệp định mang lại. Trong đó, ngoài cơ hội cắt giảm thuế quan thì chúng ta còn có những cơ hội về thị trường. Chẳng hạn như những tháng đầu năm 2022, nhu cầu thủy sản của EU tăng mạnh và chúng ta vận dụng rất tốt. Từ cuối năm 2021, sau khi kiểm soát được dịch COVID 19 trong nước thì chúng ta đã phục hồi sản xuất nhanh. Chính vì vậy mà các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã tận dụng được cơ hội tốt về thị trường từ đầu năm để thúc đẩy xuất khẩu. Ngoài ra thì đối với gạo cũng tận dụng được cơ hội về tiêu chí hạn ngạch, thuế quan để xuất khẩu sang EU trong thời gian qua”.

 Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương. Ảnh: Mai Trang 

Đánh giá về thị trường EU và Hoa Kỳ thời gian tới, bà Trang khẳng định: “Xét tổng thể chung, tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU và Hoa Kỳ từ đầu năm đến nay ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, nếu như theo dõi về tiến độ xuất khẩu của những tháng gần đây thì chúng ta cũng thấy có những khó khăn nhất định. Từ áp lực lạm phát, giảm nhu cầu từ hai thị trường lớn và điều này khiến cho mức tăng trưởng xuất khẩu dường như có sự chững lại và giảm hơn so với những tháng đầu năm.

Chính vì vậy mà các doanh nghiệp cần phải chủ động nắm bắt tình hình để có thể điều tiết lại kế hoạch sản xuất, cũng như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh những cú sốc từ thị trường bên ngoài”.

41% doanh nghiệp đã từng hưởng ít nhất một lợi ích từ EVFTA

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI cho biết, tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam từng được hưởng lợi từ EVFTA là rất đáng khả quan, với gần 41% cho biết đã từng hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA. Lợi ích phổ biến nhất là từ các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất, nhập khẩu và hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận. 

Theo bà Trang, điều này có thể là kết quả của sự cải thiện trong mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về Hiệp định này. Theo Khảo sát, có tới gần 94% doanh nghiệp từng nghe nói hoặc biết ở các mức độ khác nhau về Hiệp định này, cao nhất trong số các FTA đang thực hiện. Cứ 10 doanh nghiệp thì có 3 doanh nghiệp biết khá rõ và 1 doanh nghiệp biết rất rõ về các cam kết EVFTA có liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.

Nhìn về tương lai, 76% doanh nghiệp cho rằng các EVFTA và các FTA sẽ có tác động tới triển vọng kinh doanh trong 3 năm tới, và phần lớn lạc quan đây sẽ là các tác động tích cực. 

Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi một số rào cản khiến doanh nghiệp khó hưởng lợi từ EVFTA và các FTA, đáng kể nhất là các biến động và bất định của thị trường (47% doanh nghiệp đề cập), năng lực cạnh tranh hạn chế (46%), thiếu thông tin về cam kết và cách thức tận dụng (40%). Các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thực thi hiệp định ban hành chậm hơn so với mốc yêu cầu của Hiệp định là ngày 1/8/2020 (trung bình các VBQPPL về thương mại hàng hóa ban hành chậm 66 ngày, các văn bản về quy tắc chậm 632 ngày) đã ít nhiều ảnh hưởng tới hiệu quả tận dụng cam kết EVFTA giai đoạn đầu của doanh nghiệp.