5 dấu hiệu lừa đảo trong đầu tư và cách đối phó

07:02 | 05/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hàng loạt sàn giao dịch Forex, tiền ảo vừa bị cơ quan chức năng đánh sập từ Nam tới Bắc. Làm sao để người dân nhận biết dễ dàng dàng nhất các chiêu lừa đảo của sàn, tránh hệ lụy khi tham gia?

Cảnh giác #1: Vẽ ra viễn cảnh giàu sang (phantom riches)

Người rủ rê đầu tư có "nguy cơ" vẽ ra cho bạn viễn cảnh giàu có, kiếm tiền nhanh và dễ; lôi cuốn bạn bằng những thứ bạn muốn nhưng không thể có như nhà đẹp, xe đẹp, đồ dùng đắt tiền.

Ví dụ: Đầu tư cái này lãi 1%/ngày có " bảo hiểm" ; không làm gì 1 tháng cũng có vài ngàn đô la, "đảm bảo" chắc chắn.

Phân tích sơ bộ: 1%/ngày là gấp 36,78 lần sau 1 năm, 53.938,17 lần (bằng chữ: năm mươi ba ngàn) sau 3 năm . Sẽ không thể có đầu tư gì, không phải làm gì mà sinh lãi khủng đơn giản như vậy.

5 dấu hiệu lừa đảo trong đầu tư và cách đối phó - ảnh 1

Cảnh giác #2 : Sự tin tưởng (source credibility)

Người rủ rê đầu tư có "nguy cơ" tạo sự tin tưởng thông qua các chứng chỉ, tổ chức quốc tế này kia, check-in những nơi sang chảnh, chụp hình với siêu xe, nhà đẹp, đồ hiệu. Họ sẽ thường hay nói "anh/chị tin em đi, em thề với anh/chị luôn" .

Ví dụ: Họ sẽ phô bày các chứng chỉ, tổ chức nghe tên xa lạ, và người có thể kiểm tra ngay trên Google.

Nguyên tắc là tuổi ít tiền nhiều mà không phải của thừa tự thì các chứng chỉ, tổ chức họ đứng ra khả năng "photoshop" là rất cao.

Cảnh giác #3 : Tâm lý đám đông (social consensus)

Người rủ rê đầu tư có "nguy cơ" sẽ nói với bạn là những nhà đầu tư "khôn ngoan" khác đã tham gia. Ví dụ ông A, bà B, thím C, cô D, mấy nhà kia cũng đã tham gia.

Ví dụ: Bạn nào đi Paris, khu đồi Montmarte có nhớ mấy nhóm Đông Âu lừa đánh bài ? Toàn là quân xanh xuống tiền, gà mờ đi ngang qua thấy dễ ăn quá, ghé xuống là… mắc bẫy.

Cảnh-Giác #4 : Tặng đồ miễn phí (Reciprocity)


Ví dụ: Tiệc hội thảo miễn phí, quà tặng miễn phí, chia lại hoa hồng (commission) giới thiệu.Người rủ rê đầu tư có "nguy cơ" sẽ tặng bạn cái gì đó miễn phí.

Chiêu này mấy đợt sốt phát hành tiền ảo lần đầu (ICOs), sốt đất ngoại thành, sốt lan đột biến được sử dụng nhiều, và hoàn toàn lặp lại được trong các đợt sốt khác.

Cảnh giác #5: Tạo áp lực khan hiếm, gấp rút (Scarcity)

Người rủ rê đầu tư có "nguy cơ" sẽ thúc giục bạn là cơ hội không còn nhiều, gấp lắm, không thì sẽ bị bỏ lỡ, vân vân...

Ví dụ: Chỉ còn 2 lô này, 2 suất này, hết ngày hôm nay là chốt sổ. Thêm nữa, "cái này em nói riêng, dành riêng cho anh/chị thôi".

*Đối phó như thế nào ?

Nhớ lại 5 dấu hiệu cảnh giác ở trên.

Kết thúc cuộc trò chuyện, càng nhanh càng tốt. Tập nói "không" như "xin lỗi, nhưng cái này anh/chị/mình không quan tâm; cảm ơn bạn/em". Nếu chèo kéo quá thì hoãn binh "để anh/chị/mình suy nghĩ thêm rồi có gì liên hệ sau".

Quay lại hỏi và kiểm tra. Hình thức đầu tư này có đăng kí với cơ quan quản lý chưa, như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước + Kiểm tra tính pháp lý của doanh nghiệp, tổ chức cung cấp.

Nên tham vấn những người độc lập, không có lợi ích liên quan.

Trang bị thêm thông tin cho mình qua các diễn đàn/nhóm độc lập hỗ trợ nhà đầu tư, bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính.

TS Võ Đình Trí là Giảng viên Đại học Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global

Diễn đàn DN