8 khu kinh tế cửa khẩu ưu tiên đầu tư: Tỉnh có trách nhiệm cân đối vốn
Với các địa phương có khu kinh tế cửa khẩu ưu tiên tập trung đầu tư này, tỉnh có trách nhiệm cân đối vốn cho 8 khu kinh tế cửa khẩu, ưu tiên tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 trong tổng số vốn ngân sách trung ương đã thông báo cho địa phương.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý lựa chọn 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, 8 Khu kinh tế cửa khẩu gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh); Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quảng Trị
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, nâng cao vai trò định hướng, dẫn dắt của nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương nhằm thu hút, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cho sự phát triển bền vững của các khu kinh tế cửa khẩu.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, chuẩn bị và thẩm định hồ sơ dự án/công trình đầu tư kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn giai đoạn 2021 - 2025. Các địa phương nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, đặc biệt là 8 khu kinh tế cửa khẩu có vai trò quan trọng trong hệ thống các Khu kinh tế cửa khẩu của cả nước.
Các cơ quan liên quan đến khu kinh tế cửa khẩu nâng cao năng lực quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước để cho nguồn vốn ngân sách nhà nước được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, bảo đảm tiến độ giải ngân, xây dựng dự án, công trình.
Đối với các địa phương có 8 khu kinh tế cửa khẩu ưu tiên tập trung đầu tư nêu trên, tỉnh có trách nhiệm cân đối vốn cho 8 khu kinh tế cửa khẩu ưu tiên tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 trong tổng số vốn ngân sách trung ương đã thông báo cho địa phương, đảm bảo theo quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định hiện hành.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các khu kinh tế cửa khẩu đến nay đã thu hút được trên 575 dự án trong và ngoài nước. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các khu kinh tế cửa khẩu đạt 28,9 tỷ USD, tăng 2,1 lần so với năm 2015. Trong đó, tại các khu kinh tế cửa khẩu giáp Trung Quốc đạt 24,8 tỷ USD, chiếm 85,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các khu kinh tế cửa khẩu của cả nước và chiếm 21,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc. Còn tại các khu kinh tế cửa khẩu giáp Lào và Campuchia, con số lần lượt là 1,1 tỷ USD và gần 3 tỷ USD.
Đối với 9 khu kinh tế cửa khẩu được tập trung, ưu tiên đầu tư, số thu ngân sách năm 2019 đạt hơn 344 triệu USD, chiếm gần 70% tổng số thu ngân sách của toàn bộ 26 khu kinh tế cửa khẩu. Một số khu kinh tế cửa khẩu có mức thu đạt cao là Đồng Đăng – Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái, Lao Bảo.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điểm hạn chế là các khu kinh tế cửa khẩu hầu như không có khả năng thu hút các nguồn vốn khác như ODA, FDI, PPP.. nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đóng góp của một số khu kinh tế cửa khẩu còn khiêm tốn.
Giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đưa ra danh sách 8 khu kinh tế cửa khẩu tập trung ưu tiên đầu tư, giảm 1 khu kinh tế so với giai đoạn 2016-2020.
Theo Trang Thông tin điện tử Hội đồng lý luận trung ương, khu kinh tế cửa khẩu được thử nghiệm với quan niệm là “khu vực cửa khẩu” khi vào ngày 19-6-1996 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 675/TTg cho phép áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu Móng Cái, Hải Ninh, Quảng Ninh giáp với thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Sau 2 năm áp dụng thí điểm khu vực cửa khẩu Móng Cái, thực tế cho thấy quan hệ thương mại biên mậu giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có bước phát triển, cần phải có mô hình hợp tác kinh tế mới, phù hợp để khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh kinh tế ở các địa phương có cửa khẩu biên giới đất liền của nước ta với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Căn cứ vào thực tế này, vào năm 1998, lần đầu tiên khái niệm khu kinh tế cửa khẩu được sử dụng chính thức ở Việt Nam khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định về việc áp dụng thí điểm một số chính sách phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài tỉnhTây Ninh (Quyết định số 210/1998/QĐ-TTg).
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án "Quy hoạch phát triển các Khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020.
Hiện nay ở nước ta, hoạt động và các cơ chế, chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu thực hiện theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và các văn bản pháp luật có liên quan khác.
Minh Hoa
Xem thêm: Cửa khẩu chính Lóng Sập sẽ trở thành cửa khẩu quốc tế