Hà Giang đề xuất tiếp tục đầu tư cao tốc Tân Quang - cửa khẩu Thanh Thủy
UBND tỉnh Hà Giang vừa có Tờ trình số 03/TTr – UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua tỉnh Hà Giang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Tại tờ trình này, UBND tỉnh Hà Giang đề nghị người đứng đầu Chính phủ cho chủ trương tiếp tục đầu tư Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn Tân Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, việc đầu tư Dự án này sẽ tuân thủ Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg, với tổng chiều dài tuyến khoảng 59 km; điểm đầu kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), xã Tân Quang, huyện Bắc Quang; điểm cuối tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang. Tuyến được thiết kế với tiêu chuẩn cao tốc cấp 100, vận tốc thiết kế 100 km/h, có châm trước một số đoạn qua địa hình đặc biệt khó khăn thiết kế cấp 80, vận tốc thiết kế 80Km/h.
Tổng mức đầu tư Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn Tân Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy dự kiến khoảng 12.500 tỷ đồng (bao gồm các chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; đầu tư xây dựng). UBND tỉnh Hà Giang cũng đồng thời đề nghị Thủ tướng chính phủ cho chủ trương đầu tư và hỗ trợ kinh phí cho Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn Tân Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy trong thời gian từ 2023 - 2027 với số kinh phí khoảng 8.200 tỷ đồng để triển khai thực hiện.
Được biết, Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đã được đưa vào thực hiện trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội). Giai đoạn 1 của dự án mới đầu tư tuyến cao tốc với chiều dài 118km, quy mô 2 làn xe và đoạn trên địa bàn tỉnh Hà Giang có chiều dài 27,48km (điểm cuối của Dự án tại địa bàn xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang). Trong đó, Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang có điểm đầu dự án (Km0), tiếp giáp địa phận tỉnh Tuyên Quang; điểm cuối dự án (Km27+480), thuộc địa bàn xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.
Dự án được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 2198/QĐ-UBND ngày 5/12/2022, có tổng chiều dài 27,48 km, với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12 m; chiều rộng mặt đường 11 m, với tổng mức đầu tư 3.198 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2025.
Hiện nay, Dự án đang triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công công trình (dự kiến khởi công vào ngày 15/3/2023).
Dự án nhằm phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn, với mong muốn tạo động lực phát triển toàn diện và bền vững cho tỉnh Hà Giang và hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh trong khu vực, đồng thời phát huy hiệu quả tối đa của tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, tăng khả năng lưu thông vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực giao thông trên QL2, rút ngắn thời gian di chuyển từ Thủ đô Hà Nội đến Hà Giang từ khoảng 6 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ,…
Dự án cũng sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang đến năm 2030 theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt là cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu mối giao thông, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh quan trọng; đồng thời tăng cường khả năng giao lưu, tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang.
Phát triển hài hòa các phương thức vận tải
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển vận tải các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hòa Bình với việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu thị phần vận tải, ưu tiên đầu tư cho các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ.
Một trong những giải pháp mà kế hoạch đưa ra là phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics gồm: ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải chính, đặc biệt là hành lang Bắc - Nam và các hành lang kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế nhằm tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải kết hợp cung cấp các dịch vụ logistics.
Cùng với đó là việc ưu tiên đầu tư các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa, đường sắt ở khu vực phía Bắc; tăng cường kết nối dịch vụ vận tải giữa các phương thức thông qua việc kết nối hoạt động của các doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải nội địa - quốc tế, với giá thành hợp lý, chất lượng cao cũng như tăng cường kết nối dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác bằng các hình thức xã hội hóa đầu tư hệ thống kho bãi, thiết bị xếp dỡ, đường giao thông kết nối tại các ga, cảng đầu mối.
Kế hoạch cũng nêu rõ tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm về hoạt động vận tải trên địa bàn; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp vận tải, người dân; đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; có biện pháp chấn chỉnh kịp thời đối với những trường hợp thực hiện không nghiêm túc quy định về tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị.