8 sự kiện kinh tế tư nhân tiêu biểu 2020
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế trung ương đồng tổ chức vào ngày 2/5/2019. Diễn đàn là sự kiện có quy mô quốc gia, quốc tế lớn nhất trong 2019 về những vấn đề then chốt của nền kinh tế, đặc biệt là giải pháp phát triển cho khu vực tư nhân.
Phát biểu trước gần 2.500 doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kinh tế tư nhân còn dư địa lớn để phát triển. Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là không được thành kiến với kinh tế tư nhân; cần bình đẳng, công bằng đối với kinh tế tư nhân; phải phát triển mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh ở mọi thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân.
Thủ tướng khẳng định doanh nghiệp tư nhân sẽ được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính và những điều kiện rườm rà.
Thông qua Diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân tin tưởng và hy vọng về một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, những ý tưởng của họ được chắp cánh, những khó khăn được giải quyết và những thành tựu của doanh nhân được nâng niu.
2. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đoàn đại biểu BCH Trung ương Hội DNTNVN và một số doanh nhân tiêu biểu
Tại đây, các doanh nhân bày tỏ mong muốn Chính phủ tăng cường chống tham ô, lãng phí, tiêu cực, chống tình trạng “phong bao, phong bì”.
Ghi nhận các ý kiến doanh nhân tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng nêu rõ, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần và đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tạo điều kiện phát triển, trong đó, kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng để phát triển đất nước. Hiện kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP và có xu hướng ngày càng tăng, trong đó doanh nghiệp tư nhân góp khoảng 10%, còn lại là kinh tế hộ gia đình.
Thủ tướng nhấn mạnh: Cuộc gặp mặt là để lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp tư nhân về các trở ngại, khó khăn, từ đó sơ kết, tiếp tục thể chế hóa tốt nhất Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân.
3. “Diễn đàn doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”
Diễn đàn diễn ra vào ngày 19/12, tại Hà Nội, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (DNTNVN) tổ chức.
Đây là “Hội nghị Diên Hồng” của đội ngũ doanh nhân tư nhân, với hơn 100 bài tham luận của các doanh nhân tư nhân cả trong và ngoài nước đưa ra những đóng góp chân thành và những sáng kiến, tư duy đầy sáng tạo hiến kế cho Đảng và Nhà nước.
Tại Diễn đàn, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân đã hiến kế các giải pháp nhằm xây dựng, phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn, thế mạnh của quốc gia và hình thành nhiều tập đoàn kinh tế lớn; đồng thời, khuyến khích thành lập doanh nghiệp, phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Các bài phát biểu tham luận cũng đưa ra các khuyến nghị để Đảng và Nhà nước tăng cường tính minh bạch và kiểm soát độc quyền kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số nhằm thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, đồng thời, tạo điều kiện cho ngành dệt may có lợi thế hơn về xuất khẩu.
Diễn đàn thêm một lần nữa khẳng định vai trò của đội ngũ doanh nhân nói chung và doanh nhân tư nhân nói riêng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chấn hưng dân tộc.
4. Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài
Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài (FDI) đến năm 2030.”
Việc lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết chuyên đề về FDI đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.
Nghị quyết chỉ rõ ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong thu hút FDI giai đoạn tới là các dự án có công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Nghị quyết là tiền đề để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới có chất lượng cao hơn. Đồng thời, tạo điều kiện để cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân có cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác, khẳng định hơn nữa vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong sự phát triển nền kinh tế đất nước.
5. Vingroup khánh thành nhà máy VinFast tại Hải Phòng
Với 21 tháng xây dựng và hoàn thiện – Nhà máy ô tô VinFast đã đạt kỷ lục thế giới về tiến độ; đồng thời đưa công nghiệp ô tô Việt tiến lên nấc thang mới: tự chủ sản xuất và làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu dưới thương hiệu Việt - VinFast.
Nhà máy sản xuất ô tô VinFast là hạng mục quan trọng nhất của Tổ hợp Sản xuất ô tô và xe máy điện VinFast, được xây dựng trên diện tích hơn 500 nghìn m2 trong tổng số 335 ha của toàn tổ hợp, đáp ứng xu thế công nghệ 4.0 – nhà máy sản xuất ô tô VinFast đạt quy mô và độ hiện đại hàng đầu thế giới. Công suất thiết kế giai đoạn 1 là 250.000 xe/năm, giai đoạn 2 là 500.000 xe/năm, tốc độ sản xuất 38 xe/giờ.
Bên cạnh quy mô vượt trội, VinFast cũng là nhà máy ô tô đầu tiên tại Việt Nam sở hữu chu trình sản xuất hoàn thiện, đồng bộ và tự động hóa cao hàng đầu quốc tế. Đặc biệt, VinFast là nhà máy ô tô duy nhất tại Việt Nam làm chủ được các công đoạn cốt lõi, có năng lực tự sản xuất những cấu phần chính của một chiếc ô tô và khả năng gia công, sản xuất động cơ tại chỗ theo tiêu chuẩn cao của châu Âu. VinFast đã khẳng định được vị thế của một nhà sản xuất ô tô độc lập.
6. Bùng nổ thị trường hàng không tư nhân
Ngày 16/1/2019, Hãng hàng không Bamboo Airways chính thức gia nhập thị trường hàng không với chuyến bay thương mại đầu tiên TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội. Sau 8 năm, Việt Nam lại có thêm một hãng hàng không mới ra đời, mở ra cuộc cạnh tranh giành thị phần nội địa giữa các hãng hàng không.
Năm 2019 cũng ghi nhận thêm sự ra đời của Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), Công ty cổ phần hàng không Ngôi sao Việt (Vietstar), Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh (dự án Hãng hàng không Cánh Diều - Kite Airlines)... đang hoàn thành các thủ tục để khai thác thương mại.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đang tham gia đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đặc thù của ngành hàng không như thành lập Viện Đào tạo Hàng không Bamboo Airways, Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không Vinpearl Air, Học viện Hàng không Vietjet.
7. Khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển mới.
Trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương do Forbes Asia 2019 công bố danh sách, có 7 doanh nghiệp của Việt Nam. Có không ít doanh nghiệp Việt Nam đã hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ với những dự án đầy tham vọng với hy vọng vươn ra thị trường quốc tế.
Các chuyên gia nhận định, GDP của Việt Nam năm 2019 đạt 7,02% chủ yếu vẫn nhờ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và các thể chế cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ.
Theo Sách Trắng Việt Nam 2019, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% thu ngân sách Nhà nước. Khối tư nhân cũng đang thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Nghĩa là cứ 100 lao động, thì 85 người làm việc trong khối tư nhân.
Vốn đầu tư của khối tư nhân đã tăng nhanh trong nền kinh tế.
8. Ký kết Hiệp định EVFTA - dư địa mới cho kinh tế tư nhân phát triển
Ngày 30/6/2019, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức được ký kết tại Hà Nội. Đây là hai hiệp định thương mại, đầu tư thế hệ mới có quy mô lớn nhất, tiêu chuẩn cao nhất giữa Việt Nam và EU.
Cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại là mức cắt giảm thuế cao nhất trong các FTA mà Việt Nam đã từng ký kết. Hiệp định EVIPA cũng có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư toàn cầu Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài
Hiệp định EVFTA là một trong những Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) lớn nhất Việt Nam từng tham gia, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi thể chế chính sách và phát triển nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới khi chính thức được thực thi.
Hiệp định sẽ tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tăng kim ngạch xuất khẩu ở những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép... sang thị trường giàu tiềm năng EU với thuế suất về 0%. Các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời, mở ra môi trường kết nối, hợp tác để đón đầu làn sóng đầu tư mới từ EU vào khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.