85% nhân công trong ngành dệt may có thể bị thay thế bằng robot
(DNVN) - Ông Andree Mangels, Giám đốc điều hành Adecco Việt Nam cho rằng 85% nhân công trong ngành dệt may, da giày và trang phục có thể được thay thế bởi máy móc và robot.
Theo Báo cáo xếp hạng cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI), Thụy Sĩ vẫn là nước dẫn đầu, theo sau là Singapore và Mỹ. Nhìn chung, châu Âu vẫn đang thống trị bảng xếp hạng nhân tài toàn cầu, chiếm 15 trên 25 vị trí trong bảng xếp hạng.
Báo cáo do INSEAD, Học viện Quản trị Kinh doanh Thế giới phối hợp với Tập đoàn Adecco và Tata Communications thực hiện. Đây được xem là bảng điểm toàn diện hằng năm giúp đánh giá sự phát triển, thu hút và duy trì nhân tài, cung cấp nguồn tham khảo đặc biệt cho người quản lý hiểu được toàn cảnh khả năng cạnh tranh nhân tài toàn cầu và xây dựng các chiến lược tăng khả năng cạnh tranh của họ.Báo cáo năm 2018 của GTCI bao gồm 68 chỉ số (năm 2017 chỉ có 65 chỉ số), với sự tham gia của 119 quốc gia, vùng lãnh thổ và 90 thành phố (118 và 46 trong năm 2017). Tương tự năm 2017, năm nay, dẫn đầu bảng xếp hạng vẫn là các nước phát triển và có thu nhập cao.
Nhận xét về thứ hạng của Việt Nam trên GTCI năm nay, ông Andree Mangels, Giám đốc điều hành Adecco Việt Nam nói: “Khi cuộc cách mạng công nghiệp đang tiến gần hơn, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cho làn sóng công nghệ mới sẽ thay đổi cách con người làm việc. 85% nhân công trong ngành dệt may, da giày và trang phục có thể được thay thế bởi máy móc và robot. Dù có xếp hạng cao về Hiệu quả Sáng tạo (Innovation Output), Việt Nam vẫn chưa đạt vị trí tốt về mặt Năng suất Lao động (Labor Productivity) và Kỹ năng kỹ thuật/tay nghề (Vocational & Technical Skills), do đó việc đổi mới chương trình giáo dục để theo kịp nhu cầu phát triển của nền kinh tế sẽ là chìa khóa để Việt Nam sẵn sàng gia nhập cuộc cách mạng 4.0”.
Theo thanhnien.vn