ADB dự báo tăng trưởng kinh tế tại châu Á sẽ đạt 6%
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế tại châu Á đang phát triển sẽ đạt 6% trong năm 2017, nhờ tăng trưởng xuất khẩu và tiêu thụ nhiên liệu nội địa cao hơn so với dự kiến. Nếu không tính các nền kinh tế công nghiệp hóa mới tại châu Á, tăng trưởng hiện được kỳ vọng ở mức 6,5% trong năm nay.
Trong phần bổ sung của báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2017, ADB đã nâng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2017 của khu vực lên thêm 0.1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 9 năm 2017, trong khi dự báo cho năm 2018 vẫn giữ nguyên ở mức 5,8%.
Ông Yasuyuki Sawada, Trưởng Ban Kinh tế của ADB cho biết: “Động lực tăng trưởng của châu Á đang phát triển, được hỗ trợ bởi sự phục hồi của xuất khẩu, đã cho thấy rằng mở cửa thương mại vẫn là một phần thiết yếu trong phát triển kinh tế đồng đều.
Các quốc gia có thể tận dụng hơn nữa lợi thế của sự phục hồi toàn cầu này bằng việc đầu tư vào vốn con người và cơ sở hạ tầng vật chất là những yếu tố sẽ giúp duy trì tăng trưởng trong dài hạn”.
Mức tăng trưởng tính chung cho các nền kinh tế công nghiệp chủ chốt được ADB điều chỉnh tăng lên 2,2% cho năm 2017 và 2% cho năm 2018, do nhu cầu nội địa mạnh mẽ ở khu vực đồng euro, cũng như đầu tư tư nhân và xuất khẩu ròng tại Nhật Bản. Các dự báo tăng trưởng cho Hoa Kỳ được giữ nguyên ở mức 2,2% cho năm 2017 và 2,4% cho năm 2018.
Theo tiểu vùng, tăng trưởng ở Đông Á được điều chỉnh tăng lên 6,2% vào năm 2017 so với mức 6% trước đó, trong khi dự báo cho năm 2018 được giữ nguyên ở mức 5,8%.
Triển vọng tăng trưởng Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - được điều chỉnh tăng nhờ giữ vững mức tiêu dùng. Tăng trưởng tại Trung Quốc giờ đây được dự kiến tăng lên 6,8% vào năm 2017 và 6,4% năm 2018.
Nam Á sẽ vẫn là nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các tiểu vùng ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, bất chấp có sự điều chỉnh giảm từ mức 6,7% xuống còn 6,5% trong năm 2017, và được kỳ vọng tăng lên 7% vào năm 2018.
Tăng trưởng GDP của Ấn Độ - nền kinh tế lớn nhất tiểu vùng - được điều chỉnh giảm còn 6,7% năm 2017 và 7,3% năm 2018. Mặc dù sự gia tăng mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất chế tạo đã giúp nền kinh tế này đảo ngược chuỗi 5 quý giảm liên tiếp trong quý II của năm tài khóa 2017, song mức phục hồi này yếu hơn so với dự kiến trước đó do giá dầu thô tăng, tăng trưởng đầu tư tư nhân không đủ mạnh, và các rủi ro trong nông nghiệp do yếu tố thời tiết.
Dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á được ADB dự kiến tăng lên 5,2% trong năm 2017 và 2018, so với các mức dự báo tương ứng là 5% và 5,1% đưa ra hồi tháng 9. Tiểu vùng này đang được hưởng lợi từ các hoạt động đầu tư và xuất khẩu mạnh mẽ hơn, với mức tăng trưởng cao hơn cho Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Triển vọng của Trung Á trong năm nay đã được cải thiện thêm do nhu cầu nội địa và hoạt động xuất khẩu cao hơn ở một số quốc gia đã giúp thúc đẩy sự phục hồi của tiểu vùng. Tăng trưởng được dự kiến đạt 3,6% trong năm 2017 so với dự báo ban đầu là 3,3%, mức dự báo của năm 2018 cho Trung Á vẫn giữ nguyên ở 3,9%.
Tăng trưởng tại Thái Bình Dương được dự kiến duy trì ở mức 2,9% trong năm 2017 và 3,2% trong năm 2018 với Papua New Guinea – nền kinh tế lớn nhất tiểu vùng – tiếp tục phục hồi dần nhờ sự tăng trưởng của các ngành khai khoáng và nông nghiệp.
Trong khi đó, giá hàng hóa đang gia tăng vẫn chưa thúc đẩy lạm phát trong khu vực, với mức lạm phát giá tiêu dùng vẫn được kiềm chế và ổn định. Lạm phát giá được giữ nguyên ở các mức dự báo trước đó là 2,4% trong năm 2017 và 2,9% trong năm 2018./.